Bên cạnh xe bị thủy kích, theo thống kê, chỉ trong sáng nay (30/5), Trung tâm sửa chữa bảo dưỡng ô tô S - CAR, quận Hà Đông, Hà Nội cũng tiếp nhận gần 30 xe đến kiểm tra.
Tranh thủ thời gian nghỉ trưa, chị Hoàng Thị Mến (Hà Nội) đưa ô tô ra gara khi hôm qua, xe cũng phải di chuyển qua nhiều đoạn đường ngập sâu trong thành phố.
Chị Mến chia sẻ: "Tôi hôm qua đi ở khu vực Kangnam, nước ngập rất sâu. Hôm nay xe vẫn đi bình thường nhưng tôi phải kiểm tra, cần phải thay thế xử lý gì không, chắc là sẽ phải thay dầu".
Nước ngập sâu nửa bánh ô tô trước cổng vào Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, phố Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: PLO.
Còn tại Trung tâm chăm sóc xe Car Centre, huyện Gia Lâm, Hà Nội, 100% ô tô tìm đến từ sáng đều để kiểm tra hệ thống máy, đặc biệt là vệ sinh sàn xe và nội thất.
Anh Vũ Việt Anh, Trung tâm chăm sóc xe Car Centre, huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết: "Những ngày mưa ngập như hôm qua thì bệnh thường gặp nhất là nước vào sàn xe. Chúng em sẽ tháo sàn, vệ sinh. Để nước lâu sẽ bị mọt, hỏng hết nội thất. Bên em sẽ làm khô, bảo dưỡng lại nội thất".
Theo đại diện một số gara, lượng xe gặp vấn đề về hệ thống máy ghi nhận tăng đột biến sau trận mưa lớn chiều qua. Số tiền sửa chữa, dao động từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng. Dù vậy, nếu có bảo hiểm, phần lớn khách hàng đều được chi trả gần như toàn bộ.
Theo ông Nguyễn Thanh Nhàn, Đại diện Trung tâm sửa chữa bảo dưỡng ô tô S - CAR, quận Hà Đông, Hà Nội: "Có hai cái đáng phải mua là thân vỏ và thủy kích, vì với thời tiết Hà Nội mưa liên tục thì không tránh được hai cái đây".
Cũng theo ông Nhàn, lưu ý với các lái xe, nếu ô tô chết máy khi đang lưu thông trên đoạn đường ngập nước thì không nên tiếp tục nổ máy. Việc này sẽ khiến tình trạng thủy kích nghiêm trọng hơn. Việc tháo dỡ toàn bộ hệ thống máy để sửa chữa cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị của loại phương tiện này.