Trong một showroom xe giữa thủ đô Luân Đôn, Anh, ông Joe Macari đang tư vấn cho khách với tất cả sự nhiệt thành của mình. "Đó thực sự là một tác phẩm nghệ thuật" - ông nói với ánh mắt hướng về chiếc McLaren F1 sáng bóng nằm tại trung tâm căn phòng bày đủ những siêu xe từ cổ điển tới hiện đại, tổng giá trị ước tính trên 3.000 tỷ đồng.
Với tay xuống bấm vào một cái nút nằm gần vè bánh sau, cửa của chiếc xe từ từ nâng lên cao, xòe ra như một chú chim dang cánh chuẩn bị vươn tới những đám mây trên trời. "Tác phẩm nghệ thuật nhưng anh có thể đi dạo cùng mỗi sáng chủ nhật" - Joe Macari nói với ánh mắt như biết cười.
Chiếc McLaren F1 nằm tại showroom này là 1 trong 106 chiếc được sản xuất từ năm 1992. mẫu xe này được nhiều người trên thế giới coi là mẫu hypercar, tạm dịch là thượng thặng xe. Đây là một từ nói đến dòng xe do một vài nhà sản xuất rất được ưa chuộng làm ra, được xem là tinh hoa của ngành công nghiệp xe.
McLaren F1 được sản xuất với thông số của một chiếc xe đua, nhưng lại có những trang bị như lớp tiêu âm, ghế phụ và khoang chứa đồ. Bất cứ ai mua chiếc xe này cũng đều có thể chạy trên đường phố công cộng một cách hợp pháp.
Bên cạnh tốc độ của xe đua, hypercar cũng mang lại cho những chủ nhân đủ sức chi hơn 50 tỷ đồng những trải nghiệm không dễ có được, như một thiết kế lôi cuốn mọi ánh nhìn, những công nghệ vô đối, và cơ hội tham gia vào câu lạc bộ chủ nhân - một nhóm rất kín bởi số lượng xe được sản xuất vô cùng giới hạn.
Điều quan trọng không kém, đó là tiềm năng sinh lời cho chủ nhân. Trái ngược với gần như tất cả những chiếc xe khác trên thị trường, nhiều chiếc hypercar sau khi lăn bánh khỏi showroom không những không mất giá, mà còn có thể bán lại ngay với mức giá cao hơn đáng kể.
"Thắng được thì thua cũng được"
Trong những năm gần đây, những chiếc xe cực giới hạn đó được rao bán lại mức giá hơn 50% giá gốc trước cả khi chiếc đầu tiên chính thức được sản xuất. Những chiếc xe mang lại tiềm năng đầu tư chẳng kém vàng này hầu hết mang thương hiệu Ferrari.
Nhưng riêng với những chiếc McLaren F1 nhắc tới ở đầu bài, dù được sản xuất trong giai đoạn từ năm 1992 đến năm 1998 với giá khởi điểm khoảng 500.000 USD, chủ nhân những chiếc xe này ngày nay như đang ngồi trên đống vàng. Năm 2019, một chiếc McLaren F1 đã được bán đầu giá thành công với mức 15,6 triệu USD, gấp hơn 30 lần giá gốc.
Một chủ sở hữu hypercar đang sinh sống ở Trung Đông chia sẻ: "Tôi kiếm được ít nhất 40% [lợi nhuận] từ bộ sưu tập xe của mình". Người đàn ông này nắm giữ cổ phần trong một tập đoàn của gia đình, nắm trong tay nhiều công ty bất động sản và nhiều ngành khác.
Đại gia Trung Đông này đã bắt đầu sưu tập xe từ thời niên thiếu, có gu chơi xe rất đặc biệt. "Xe vượt địa hình, xe cổ, xe trục cơ sở siêu dài [ý nói xe sang] - hay ngay cả chiếc Mini Cooper vẫn mang lại cho tôi niềm vui".
Nhưng, những chiếc hypercar mới là điểm sáng: "Nó là cái gì đó về trải nghiệm lái xe tốc độ cao".
Ông đã từng mua chiếc hypercar đầu tiên năm 2007 - một chiếc Ferrari Enzo. Không lâu sau, ông tiếp tục đưa về Mercedes-Benz SLR McLaren và Bugatti Veyron. Tại thời điểm đó, Bugatti Veyron là mẫu xe thương mại đắt nhất thế giới.
Tổng cộng, ông đã sở hữu tới 19 chiếc hypercar, trong đó đến từ những thượng hiệu rất lớn trên thế giới, như Ferrari là LaFerrari, Porsche là 2 chiếc 918, 2 chiếc của Pagani, 3 chiếc của Koenigsegg và 1 chiếc P1 của McLaren.
Chưa dừng lại, ông đang cân nhắc mua một chiếc xe của thương hiệu Gordon Murray - nhà thiết kế huyền thoại đứng sau McLaren F1.
Vị đại gia Trung Đông chia sẻ: "Tôi lời nhất với Pagani Zonda, mua 1,68 triệu USD và bán với giá 4 triệu USD". Ngoài ra, một trong những chiếc Koenigsegg mà ông đang sở hữu cũng đang có giá ước tính khoảng từ 5,5 triệu USD đến 6 triệu USD dù mua với giá khoảng 2,2 triệu USD.
Hối hận nhất trong lịch sử "đầu tư" hypercar của ông là bán đi chiếc McLaren F1 vào năm 2014 với giá 3 triệu USD, sau đó dùng tiền mua một chiếc Bugatti Chiron Super Sport.
Ông cho biết: "Tôi đã nghĩ đó sẽ là một món đầu tư chắc ăn: xe mới, số lượng hiếm hơn cả McLaren, tốc độ cao nhất thế giới thời điểm đó, trông cũng đẹp nữa".
5 năm sau đó, ông có cơ hội tham quan nhà máy McLaren ở Woking, Anh. Tại đây, ông đã thấy chiếc McLaren F1 từng thuộc sở hữu của mình, vừa được bán lại với giá 14 triệu USD. Tới năm 2018, ông bán đi chiếc Bugatti với giá 2 triệu USD.
"Thắng được thì thua cũng được" - ông nhớ lại.
Món đầu tư thời đại mới
Cũng nhờ số lượng người nằm trong giới siêu giàu trên thế giới đang tăng lên, cùng với đó là một quãng thời gian dài lãi suất ở mức thấp, hội chủ nhân hypercar đã lớn lên đáng kể trong thời gian gần đây.
Ông James Banks từng là trưởng bộ phận cá nhân hóa tại McLaren tới năm 2019, nay là chủ đại lý LaSource Automotive chuyên săn xe hypercar. Ông ước tính rằng khoảng 20 năm trước, cả thế giới chỉ có khoảng vài trăm người có đủ nhu cầu và sức để mua hypercar. "Ngày nay, có đến cả vài nghìn" - ông cho biết thêm.
Trong năm 2020 và năm 2021, đồng tiền xuống giá, đi cùng đó là lợi nhuận tăng phi mã ở những nhóm ngành như công nghệ đã khiến cho giới siêu giàu ngập trong tiền; cùng lúc, đại dịch lại hạn chế họ đến với những thú chơi thông thường.
Sau khi tiếp cận được những câu chuyện chủ hypercar lãi lớn (thường do chính những chủ nhân này tự chia sẻ trên mạng xã hội, hoặc do nghe từ môi giới hay những người trong ngành), rất nhiều người đã tìm tới hypercar khiến giá trị những chiếc xe này đã cao, nay còn cao hơn nữa.
Ông Joe Macari chia sẻ: "Chúng tôi có rất nhiều khách hàng mới, là những người có tiền nhưng lại không phải người đam mê xe. Họ nghĩ là: Bạn tôi có một chiếc và giá trị đã tăng tới 20%, tôi cũng muốn được như vậy".
Giá trị tăng lên nhưng cũng chỉ tăng ở một vài nhóm xe, thường là Ferrari, xe nổi danh một thời và những xe rất nổi tiếng. Ông Joe Macari cho biết thêm: "Giá của một chiếc Ferrari F40 nguyên bản, đi ít, tăng từ 1,1 triệu bảng lên 2,1 triệu bảng trong khoảng 2 năm".
Trong khi đó, một số mẫu xe lại không được như vậy: "Xe của Koenigsegg tăng ít hơn, xe của Aston Martin gần như đi ngang".
Còn với ông James Banks, hypercar được coi là tài sản đầu tư từ khoảng năm 2015. "Một vài xe trở thành món đầu tư chắc thắng; nhiều người bán cả xe trên giấy, từ khi vẫn chỉ là bản vẽ ý tưởng".
Không chỉ những người sở hữu xe, những người đủ "may mắn" để được mời mua một chiếc cũng có thể có lợi nhuận cao khi có những xe được bán lại ngay với giá rất khủng ngay cả khi còn chưa được bàn giao.
Ferrari có lẽ là ví dụ gần đây nhất, khi đã giới thiệu mẫu xe giới hạn Daytona SP3 với 599 chiếc, kèm mức giá 2,3 triệu USD (hơn 54 tỷ đồng). Ferrari cho rằng toàn bộ xe đều đã được bán hết. Trên thực tế, ông Đặng Lê Nguyên Vũ được cho là một trong những người hiếm hoi trên thế giới được mời mua Daytona SP3.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã chi rất nhiều tiền trong nhiều năm vừa qua để mua lại những mẫu xe rất đáng chú ý tại Việt Nam, từ xe sang, xe thể thao đến xe cổ và siêu xe. Nhiều chiếc thuộc hypercar cũng đã được nhập về Việt Nam, và một số đang nằm trong gara xe của ông như Bugatti Veyron, McLaren Senna hay Porsche 918.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng được cho là người sở hữu nhiều hypercar nhất Việt Nam.
Ông Richard Hawken từ EMM - nơi được mô tả là văn phòng bí mật của những chủ xe có giá - nói về lợi nhuận có thể có từ những chiếc hypercar này: "Tiền như rơi từ trên trời xuống, về cơ bản là vậy".
Nhưng xe là phương tiện di chuyển?
Những mẫu xe mới nhất của Porsche cũng được tìm kiếm gắt gao, tương tự những xe của Bugatti, Lamborghini hay Pagani.
Khách hàng để có thể đứng trong danh sách được mua, họ thường phải mua nhiều hypercar trước đó.
Nguồn tin không chính thống cho rằng để ông Đặng Lê Nguyên Vũ được mời mua Ferrari Daytona SP3 cũng đã phải trải qua nhiều khâu "kiểm duyệt", như về cách chăm xe, cách dùng xe hay cả hình ảnh cá nhân. Trong bộ sưu tập hàng trăm chiếc xe, ông Đặng Lê Nguyên Vũ có gần như toàn bộ các dòng Ferrari có mặt tại Việt Nam.
Một điều cần nhắc tới là số xe ông mua về hiếm khi xuất hiện toàn bộ trên đường. Ông Vũ mỗi lần ra đường thường được bắt gặp đi một chiếc xe khác nhau và dường như cũng hiếm khi di chuyển dài.
Trong những năm gần đây, các nhà sưu tầm xe dành nhiều sự quan tâm đến những chiếc xe được sử dụng ít. Những chiếc xe này luôn có giá cao hơn. Ông Joe Macari cho biết: "Xu hướng này bắt nguồn từ Mỹ, nơi các nhà sưu tập xe lớn nhất thế giới đang sinh sống; sau đó đã lan tới châu Âu trong khoảng 5 đến 7 năm vừa qua".
Sáng lập tổ chức Historic Automobile Group International, ông Dietrich Hatlapa, cho rằng: "Thứ gây mất giá nhiều nhất chính là con số trên ODO [đồng hồ công tơ mét], có rất nhiều xe trong số đó còn chưa từng được ra đường".
Thực tế, mua xe về mà không cho ra đường tại nhiều nước lại là một phương án rất tiết kiệm. Ở Đan Mạch, phí sử dụng đường bộ áp cho một chiếc xe có giá trị trên 30.000 USD là 150%.
Tuy nhiên, cũng có một số người không đồng tình với cách sưu tầm xe mà cứ "đắp chiếu" mãi trong gara.
Ông Robert Verdun, thành viên của hội TIGER 21 (mạng lưới các nhà đầu tư rất giàu), cho biết: "[Những chiếc xe này] giống như một tác phẩm trong bảo tàng hơn là một thứ bạn sẽ mang ra sử dụng".
Ông Robert Verdun đang sở hữu một vài chiếc Ferrari, một vài chiếc du thuyền có tổng giá trị khoảng 5 triệu USD. Ông nhận thấy rằng hypercar mang lại niềm phấn khích cho người cầm lái.
Sau khi tham quan nhà máy Pagani ở Ý, ông nhận ra rằng nếu đầu tư đúng xe, bạn có thể kiếm được khoản tiền lớn. Nhưng ông lại không có ý định làm như vậy.
Quan điểm của ông: "Điều thú vị nhất của một chiếc xe cao cấp là thật tay cầm lái nó. Tôi không phải một người muốn có một bộ sưu tập khổng lồ cất trong két".