Hốt bạc do học viên thiếu thông tin
Thông tin học phí thi lấy bằng lái xe ô tô tốn kém đến 30 triệu đồng theo nghị định mới bắt đầu rộ lên từ đầu năm nay, khiến các trung tâm tiếp nhận hồ sơ quá tải. Bởi hiện tại, học phí chỉ khoảng 8 triệu đồng.
Cũng nhân cơ hội này, nhiều văn phòng môi giới, trợ giảng hoặc giáo viên bổ túc (những người nhận việc bên ngoài) "hốt bạc" do khách hàng đặt lịch vì tâm lý học viên ngại thi theo bộ câu hỏi lý thuyết 600 câu hỏi (với hiện tại là 400 câu).
Về vấn đề trên, chia sẻ với chúng tôi, một trong những giáo viên nhiều năm trong nghề dạy lái xe là ông Phạm Tuấn Anh – giáo viên dạy lái xe thuộc Trung tâm dạy nghề Sao Bắc Việt (Hà Đông) cho hay, một số thông tin trước đó trên nhiều trang mạng đăng tải cũng không chính xác, khiến nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về "nghị định 38".
Theo ông Tuấn Anh, hiện tại bản thân ông và trung tâm nơi ông công tác không được thông tin tăng mức học phí, hoặc quy định mức học phí học thi lấy bằng lái xe bao nhiêu.
"Có thể một số nơi bên ngoài họ lợi dụng tâm lý học viên chưa nắm rõ để đăng tải thông tin quảng cáo, nhận hồ sơ dẫn đến quá tải", ông Tuấn Anh chia sẻ.
Các trung tâm dạy nghề tăng đột biến học viên
Ông nói thêm; Thông tư số 38 của Bộ GTVT ban hành tháng 10/2019 chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12 năm 2017 về Quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
Với bằng hạng B2 phổ thông nhất thời gian học lý thuyết và thực hành là 588 giờ, và tối thiểu 1.100km. Tuy nhiên, nội dung học sẽ được bổ sung thêm nội dung "Phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông", học trên thiết bị mô phỏng. Số câu hỏi lý thuyết sát hạch cũng tăng từ 400 câu lên 600 câu.
"Điểm mới của Thông tư 38 là siết chặt việc học và sát hạch thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin. Học viên phải điểm danh bằng vân tay, không thể gian dối, phải học tập trung tại cơ sở đào tạo liên tục trong hơn nửa tháng có kiểm soát...", ông Tuấn Anh thông tin.
Học phí có thể chỉ nhích lên một chút
Theo quy định của Bộ GTVT, từ ngày 1/1/2021, các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái của học viên trên xe tập lái, đồng thời, bổ sung nội dung học trên cabin tập lái xe để học viên học kỹ năng lái xe trên đường cao tốc, đường đèo núi, đường trơn trượt… Các học viên phải đảm bảo tối thiểu 1.100km thực hành. Tất cả lộ trình và thời gian đều kiểm soát chặt chẽ.
Giáo trình vẫn không hề thay đổi
Tuy nhiên, chi phí "ngoài" đối với các học viên có thể sẽ nhích hơn so với hiện tại nhưng cũng không thể tăng đột ngột, vì còn có khấu hao. Ngoài ra, nếu tăng quá cao thì số người học giảm, dẫn đến khó thu hồi vốn đầu tư. Bởi vì từ đầu năm nay, các trung tâm đào tạo buộc phải đầu tư camera, phần mềm, thiết bị, giáo viên cơ hữu để phục vụ việc đào tạo, dẫn đến tăng chi phí đào tạo.
"Do phần lớn học viên là những người có điều kiện, phải đi làm, nên việc học tập trung sẽ ảnh hưởng đến công việc chính của họ. Nếu phải nghỉ làm nửa tháng, hay thậm chí 3 tháng thì rõ ràng chi phí để lấy được bằng lái xe sẽ tốn hơn. Tuy nhiên, đó là những khoản chi phí bên ngoài do mỗi người tự thu xếp được.
Vì vậy theo tôi thì học viên không nên hoang mang về học phí, những người cần thiết và bắt buộc phải có bằng thì nộp hồ sơ, còn nếu chỉ học rồi để đấy mà không dùng đến thì không nên vào thời điểm này", giáo viên dạy lái xe.
Lệ phí gần như không thay đổi sau khóa học
Chỉ từ 7-8 triệu, mục đích là siết chặt và nâng cao chất lượng
Chia sẻ với báo chí, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định không có chuyện tăng giá đào tạo lái xe ô tô lên mức 30 triệu đồng.
Theo đại diện Tổng cục, hiện mức học phí bằng lái B2 vẫn chỉ dao động từ 7 - 8 triệu đồng. Cơ sở đào tạo muốn tăng mức học phí phải có phương án công khai và trình cơ quan quản lý nhà nước địa phương theo dõi giám sát.
Cũng theo Tổng cục Đường bộ, thông tin về mức tăng mức học phí có thể là chiêu trò để lôi kéo người học lái xe trước khi Thông tư 38 có hiệu lực.
Thông tư này quy định học viên phải học thêm 2 môn học về xử lý tình huống và tập lái trên cabin trong đó tăng cả phần thi lý thuyết và thi sát hạch lái xe. Mục đích là siết chặt và nâng cao chất lượng đào tạo và cấp giấy phép lái xe chứ không phải để tăng phí đào tạo