Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, việc áp dụng mức giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước kể từ ngày 1/12/2021 ước tính làm giảm thu lệ phí trước bạ trong 2 tháng đầu năm khoảng 4.000 tỷ.
Tuy nhiên, Tổng cục thuế cũng cho biết giảm lệ phí trước bạ khiến lượng xe tiêu thụ tăng khá, gián tiếp làm tăng thu thuế Tiêu thụ đặc biệt.
Trước đó, số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020 đã giúp cho lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ trong tháng 12/2020 gấp 2 lần so với cùng kỳ. Số thu ngân sách từ tiêu thụ xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng 47,1% so với cùng kỳ, tương đương 11.200 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, việc điều chỉnh giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã mang lại những tác động tích cực.
Cụ thể, đối với người tiêu dùng, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã góp phần trực tiếp giảm chi phí khi đăng ký quyền sở hữu xe ô tô, làm tăng khả năng tiếp cận sản phẩm ô tô của người dân, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập trung bình cao, từ đó khuyến khích nhu cầu sở hữu xe của người dân và kích cầu tiêu dùng.
Đây là lần thứ hai trong 2 năm qua, mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm còn một nửa. Theo các chuyên gia, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ không làm giảm giá xe, nhưng giúp giá lăn bánh giảm xuống và kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm.
Thực tế cho thấy, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước do Chính phủ ban hành năm 2020, đã mang lại tác động tích cực với thị trường ô tô Việt Nam.
Theo số liệu từ VAMA, tháng 12/2021 (khi chính sách giảm lệ phí trước bạ có hiệu lực), có gần 60.000 xe đã được bán ra ở thị trường trong nước. Sang đến tháng 1/2022, cũng đã có hơn 40.200 xe được bán ra, trong đó các dòng xe lắp ráp trong nước ghi nhận sự tăng trưởng nhờ chính sách này.