Giảm phí trước bạ cho siêu xe là ưu đãi cho nhà giàu

Ô tô nhập khẩu xin giảm 50% phí trước bạ đồng nghĩa với các siêu xe như Aston Martin, Bentley, Ferrari cũng được ưu đãi, tuy nhiên kiến nghị này khó được chấp nhận
Giảm phí trước bạ cho siêu xe là ưu đãi cho nhà giàu

Xe ngoại đòi ưu đãi

Ngay sau khi có thông tin đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô lắp ráp từ 15/11 của Bộ Tài chính, 11 nhà nhập khẩu ô tô đã lên tiếng đòi hỏi được đối xử công bằng như xe “nội”.

Các nhà nhập khẩu này cho rằng nếu tiếp tục loại xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) ra khỏi chiến dịch ưu đãi sẽ là không công bằng và vi phạm cam kết về đối xử công bằng theo các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Trong khi đó, những khó khăn sụt giảm kinh doanh cũng đến từ việc các showroom ô tô nhập khẩu phải đóng cửa theo các lệnh giãn cách xã hội của Chính phủ.

Đồng cảm với những nhà nhập khẩu ô tô đang “kêu cứu”, chuyên gia ô tô Vĩnh Nam nhìn nhận: “Năm 2020, ô tô nhập đã chịu sức ép rất lớn từ ưu đãi cho xe lắp ráp, khiến chi phí tồn kho đầu năm 2021 tăng lên. Cộng thêm 3 đến 4 tháng giãn cách vừa qua khiến áp lực tài chính phình to. Bên cạnh đó, xe nhập còn chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng toàn cầu thiếu chip, linh kiện khiến nhà sản xuất tăng giá xe. Đứng giữa áp lực như vậy, họ vẫn gồng gánh giữ giá bán và khuyến mại như cũ để tồn tại nên khó có thể đua giảm giá như xe lắp ráp.”

Chuyên gia Vĩnh Nam lấy thêm dẫn chứng một chiếc ô tô trị giá vài tỷ đồng, chỉ cần lưu kho vài tháng không bán được cũng đủ bay hết lợi nhuận. “Giai đoạn này ít nhất ô tô nhập nên được hưởng ưu đãi giảm phí trước bạ, dù ít hay nhiều cũng giúp gỡ khó cho doanh nghiệp”, ông Nam nhận xét.

11 nhà nhập khẩu ô tô cùng ký tên trong thư kiến nghị trên là các thương hiệu đắt tiền như Audi, Aston Martin, Bentley, Maserati, Jaguar & Land Rover, Jeep, Subaru, Porsche, Volkswagen, Volvo, và Ferrari.

Trong đó thương hiệu Bentley và Ferrari được xếp vào nhóm siêu sang và siêu xe, trung bình mỗi chiếc xe bán tại Việt Nam trị giá hàng chục tỷ đồng, có thể kể tên như Bentley Bentayga giá từ trên 13 tỷ đồng, hay Ferrari F8 Tributo giá chạm ngưỡng 30 tỷ đồng.

Thương hiệu có giá “mềm” nhất là Volkswagen chỉ có 3 mẫu xe cỡ nhỏ hạng B và C giá từ 700 đến 900 triệu đồng, còn lại đều giá tiền tỷ, với mẫu đắt nhất là Touareg có giá gần 4 tỷ đồng.

Theo báo cáo của các công ty, năm 2020, xe nhập đã giảm sút từ 25-30%. Năm 2021, tổng sản lượng ô tô nhập khẩu của các đơn vị này chỉ chiếm 8% tổng sản lượng ô tô nhập của toàn thị trường. Nói cách khác, 92% xe nhập còn lại đều đến từ các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp.

Không thể ưu đãi cho người giàu

Tuy nhiên, với góc nhìn về thị phần cũng nhưng đối tượng khách hàng chính của ô tô nhập, chuyên gia Nguyễn Thanh Hải (Hải Kar) lại cho rằng chính sách ưu đãi phí trước bạ đối với xe nội mà không dành cho xe ngoại là hợp lý. Chính sách này dựa trên nguyên lý nền tảng của điều hành kinh tế là kích cầu thị trường nội địa nhưng đồng thời phải đảm bảo các yếu tố cân đối vĩ mô như hạn chế nhập siêu, nhất là nhập siêu hàng tiêu dùng xa xỉ.

“Phương diện cá nhân tôi luôn ủng hộ nội địa hóa, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô ở Việt Nam. Chúng ta nhìn thấy ngay các mác xe phổ thông, đại chúng đều đã ở Việt Nam, dễ tiếp cận. Trong khi đó ô tô nhập ngoại đa phần đều là xe đắt tiền, thuộc thương hiệu cao cấp, với dung lượng thị trường không đáng kể. Do đó, chính sách ưu đãi ban hành ra thì không thể theo hướng khuyến khích tiêu dùng xe đắt tiền, cao cấp được", ông Hải chia sẻ.

Thậm chí, ông Hải không ngần ngại đưa ra quan điểm đa phần xe nhập khẩu là dòng cao cấp, dành cho giới nhà giàu. Nhà nước không thể ưu đãi cho người giàu. Với nhóm khách hàng này, việc thêm tiền đóng phí trước bạ thiệt hơn không thành vấn đề. Thậm chí, xét theo tâm lý tiêu dùng thì việc đóng đủ phí, cũng như ra biển trắng còn thể hiện giá trị, chất chơi cho chủ những chiếc xe đắt tiền.

Theo tính toán, nếu ô tô nhập khẩu được hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ, khách hàng mua siêu sang, siêu xe sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Ví dụ, một chiếc Bentley Bentayga First Edition có giá bán gần 30 tỷ đồng hiện phải chịu lệ phí trước bạ lên tới 3 đến 3,6 tỷ đồng, tùy từng địa phương. Nếu được giảm 50% phí trước bạ, khách sẽ giảm được khoản tiền nộp từ 1,5-1,8 tỷ đồng.

Một chiếc sedan cỡ D nhập khẩu giá mềm nhất như Volkswagen Passat Comfort giá 1,38 tỷ đồng, sẽ giúp chủ xe tiết kiệm được cao nhất 165 triệu đồng.

Có thể nói, không một đất nước nào lại chi cả tỷ đồng ngân sách để hỗ trợ cho người tiêu dùng trung lưu, thượng lưu như vậy.

Trong khi đó, với ô tô nội địa, đây là sản phẩm của ngành sản xuất công nghiệp quan trọng. Ưu đãi cho xe nội nói chung không đơn thuần là kích cầu tiêu dùng hàng nội mà còn nhằm khuyến khích sản xuất trong nước phát triển, khuyến khích nội địa hoá. Tất nhiên, việc giám sát hiệu quả lan toả từ các gói ưu đãi này đòi hỏi vai trò của Nhà nước rất lớn trong việc điều tiết chính sách phù hợp với từng thời điểm, giai đoạn, đối tượng.

"Thực tế, tất cả các quốc gia đều có rào cản thương mại riêng để đảm bảo phát triển kinh tế hài hòa giữa hàng hóa sản xuất và nhập khẩu. Bởi ngành sản xuất nội địa ít nhất cũng tạo công ăn việc làm cho số đông. Vì vậy cần ủng hộ sự ưu tiên cho doanh nghiệp nội địa”, chuyên gia Hải Kar nói.

Với các khó khăn như đóng cửa showroom do thực hiện lệch giãn cách xã hội, Chính phủ cũng đã có các gói ưu đãi khác đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung trong bối cảnh dịch bệnh.

Năm 2020 đã minh chứng ưu đãi 50% lệ phí trước bạ đã góp phần giúp thị trường ô tô hồi sinh.

Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như vậy đều đã được nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thấy rằng, nhiều nước áp dụng các biện pháp tương tự trong thời gian ngắn.

Theo kết quả bán hàng trong 9 tháng đã qua của VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam), xe lắp ráp đạt doanh số 106.362 xe, giảm 6,46 % so với cùng kỳ năm ngoái, xe nhập khẩu đạt sản lượng 82.575 xe, tăng 26,2% so với cùng kỳ.

(Theo:Vietnamnet)