Mới đây, TC Motor Việt Nam có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tái áp dụng quy định mức thu lệ phí trước bạ giảm 50% đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp nghiên cứu kiến nghị của Công ty cổ phần Thành Công Motor Việt Nam, đồng thời đánh giá và tính toán kỹ tác động, trên cơ sở đó đề xuất hướng xử lý kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, trong bối cảnh dịch COVID-19, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2021.
Nếu Chính phủ đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô lắp ráp trong nước, nhiều người cho rằng có ý nghĩa rất lớn, góp phần kích cầu tiêu thụ trong nước trong bối cảnh dịch bệnh khiến lượng xe tồn kho ôtô tăng cao.
Phải khẳng định việc giảm 50% lệ phí trước bạ không làm giảm giá xe, nhưng giảm chi phí lăn bánh một mẫu xe mới. Đối với ôtô con (loại 9 chỗ trở xuống), lệ phí trước bạ cho khách hàng đăng ký tại Hà Nội là 12%, TPHCM và Đà Nẵng 10%. Giá xe càng cao, phí trước bạ càng lớn.
Cụ thể, nếu người tiêu dùng mua xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước dưới 9 chỗ ngồi có trị giá 400 triệu đồng và đăng ký tại Hà Nội với mức thu lệ phí trước bạ hiện hành là 12% thì chỉ phải nộp lệ phí trước bạ là 24 triệu đồng, so với mức quy định hiện hành là 48 triệu đồng.
Ở trong phân khúc xe có giá từ 350 đến 500 triệu đồng (giá tính phí trước bạ theo quy định của Bộ Tài chính), nếu phí trước bạ giảm 50%, người mua có lợi từ 17 triệu đồng đến 30 triệu đồng thay vì phải nộp 35 triệu đồng đến 50 triệu đồng/chiếc xe như trước đây.
Khi phí trước bạ giảm 50%, khách hàng tiết kiệm 255 triệu đồng. Hay với dòng xe trung bình như Cerato phiên bản 2.0 AT có giá niêm yết 675 triệu đồng, thì thay vì phải trả 81 triệu đồng lệ phí trước bạ như cũ, người mua xe tại Hà Nội sẽ phải chỉ trả lệ phí trước bạ còn 40,5 triệu đồng…
Đối với các mẫu xe từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng, nếu phí trước bạ giảm 50%, người mua sẽ có lợi từ 30 triệu đồng cho đến 60 triệu đồng/xe.
Đối với xe từ 1,1 tỷ đồng cho đến 3 tỷ đồng, nếu phí trước bạ giảm 50%, người mua có lợi từ 55 đến 180 triệu đồng/xe.
Với những trường hợp mua xe có giá trị cao hơn thì mức tiết kiệm sẽ cao hơn, tương ứng với giá trị xe. Ví dụ một khách hàng tại Hà Nội mua xe Mercedes S450L lắp ráp trong nước, giá 4,249 tỉ đồng, phí trước bạ phải nộp hiện nay là 510 triệu đồng.
Nếu trong cùng một phân khúc, với mức giá ngang nhau (mọi yếu tố không thay đổi như hãng, đại lý giảm giá, giảm chiết khấu xe bán ra) so với xe nhập ngoại, lợi thế của xe lắp ráp, sản xuất trong nước sẽ tương đương với tỷ lệ giảm giá tiền từ vài chục triệu hoặc hàng trăm triệu đồng/chiếc, đây là số tiền đủ để người tiêu dùng cân nhắc, lựa chọn thiệt hơn.
Như vậy, việc giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước được kỳ vọng sẽ giảm giá mua ôtô khi đến tay người tiêu dùng và kích cầu tiêu thụ các sản phẩm nội địa trong bối cảnh thị trường ảm đạm bởi dịch COVID-19.
Bên cạnh lợi ích của người tiêu dùng, đối với nhà sản xuất, phân phối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, nếu được giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ kích cầu tiêu dùng xe sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, tăng doanh thu, bù đắp chi phí, tổn thất do dịch bệnh, góp phần giúp ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sớm vượt qua khủng hoảng và phát triển.