Giá xăng giảm gần 4.000 đồng/lít

Từ 15h chiều nay, giá xăng E5 RON 92 giảm 2.705 đồng xuống còn 25.073 đồng/lít; xăng RON 95-III giảm 3.605 đồng còn 26.070 đồng/lít
Xăng dầu

Tại kỳ này, cơ quan điều hành quyết định giảm xăng E5 RON 92 là 2.710 đồng/lít, còn xăng RON 95 giảm 3.600 đồng/lít, dầu diesel cũng giảm với mức thấp hơn là 1.740 đồng/lít, dầu hỏa giảm 1.100 đồng/lít, dầu mazut giảm 1.170 đồng/kg.

Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương – Tài chính, giá xăng E5 RON 92 về 25.070 đồng (giảm 2.710 đồng), xăng RON 95-III là 26.070 đồng (giảm 3.600 đồng) một lít. Như vậy, giá xăng đã giảm về mức hơn 25.000 đồng một lít, đây là mức giảm rất mạnh trong thời gian vừa qua.

Giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm. Dầu diesel là 24.850 đồng một lít, giảm 1.740 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 25.240 đồng, giảm 1.100 đồng.

Trong kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành đã quyết định trích mỗi lít xăng 950 đồng vào quỹ. Dầu diesel trích lập 550 đồng một lít, dầu hỏa 700 đồng và dầu mazut trích 950 đồng một kg. Việc này nhằm tạo dư địa cho quỹ ở các lần điều hành tiếp theo và giúp số dư Quỹ tại nhiều doanh nghiệp đầu mối bớt âm.

Trước đó, từ 0h ngày 11/7, giá xăng RON 95 giảm 3.088 đồng/lít, xuống mức 29.675 đồng mỗi lít; Xăng E5 RON 92 giảm 3.103 đồng/lít, xuống mức 27.788 đồng mỗi lít.

Giá dầu Diesel 0,05s-II giảm 3.022 đồng/lít, xuống mức 26.593 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 2.008 đồng, xuống mức 26.345 đồng/lít; Dầu mazut giảm 2.010 đồng mỗi lít, xuống còn 17.712 đồng.

Hiện trước những diễn biến bất thường của giá xăng dầu thế giới và trong nước thời gian qua, Chính phủ đã đốc thúc các Bộ Công Thương, Tài chính lên phương án giảm thuế phí trong xăng dầu, đồng thời ngăn chặn tình trạng găm hàng, buôn lậu xăng dầu. Từ tháng 4 đến nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã 2 lần cho phép giảm thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu, tổng mức giảm tối đa 3.000 đồng/lít xăng dầu nhằm giảm áp lực tăng giá xăng dầu, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Bộ Tài chính đã và đang đề xuất Chính phủ, Quốc hội giảm thuế suất ưu đãi nhập khẩu xăng dầu MFN từ 20% xuống 10%; đồng thời kiến nghị các phương án giảm thuế Tiêu thụ đặc biệt, Thuế giá trị gia tăng nhằm giảm giá xăng dầu đến tay người tiêu dùng. Các phương án đã và đang được Chính phủ xem xét quyết định.

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 19 lần điều chỉnh, trong đó có 13 lần tăng và 6 lần giảm giá.