Giá niêm yết ô tô sản xuất trong nước tăng hay giảm trong 6 tháng qua?

Đến nay, chỉ có Thaco thực hiện cuộc "tổng điều chỉnh" mức giá niêm yết nhiều xe, các hãng khác hầu như giữ giá niêm yết đã công bố.

Giá niêm yết ô tô sản xuất trong nước tăng hay giảm trong 6 tháng qua? - 1

Nhiều mẫu xe lắp ráp giữ giá niêm yết, nhưng tung nhiều gói ưu đãi để đẩy hàng trong giai đoạn khó khăn do Covid-19

PV Xe Giao thông thực hiện một khảo sát nhỏ về mức giá niêm yết của các mẫu xe phổ thông vào tháng 2 (sau Tết âm lịch) và tháng 7 (sau khi được giảm phí trước bạ) của 9 mẫu xe thuộc 9 thương hiệu khác nhau. Mức giá đưa vào khảo sát là giá niêm yết chính thức phiên bản cao cấp của mẫu xe được nêu tên.

Kết quả là có 7/9 mẫu xe không có biến động giá niêm yết, và chỉ có 2/9 mẫu xe điều chỉnh giá niêm yết chính thức, trong đó có 1 mẫu xe tăng giá và một mẫu xe giảm giá như bảng so sánh dưới đây:

Mẫu xe

Giá niêm yết tháng 2/2020 (triệu đồng)

Giá niêm yết tháng 7/2020 (triệu đồng)

Mức chênh giữa 2 thời điểm (triệu đồng)

Được giảm 50% phí trước bạ (mức phí 12% cho khu vực I)

VinFast Fadil

449

499

+50

27,5 triệu đồng

Honda City

599

599

0

35,9 triệu đồng

Hyundai Elantra

769

769

0

44,6 triệu đồng

Mazda 6

1.019

959

-60

57,5 triệu đồng

Ford Ecosport

689

689

0

41,3 triệu đồng

Nissan X-Trail

1.023

1.023

0

61,3 triệu đồng

Toyota Fortuner

1.354

1.354

0

81,2 triệu đồng

Kia Sedona

1.429

1.429

0

85,7 triệu đồng

Mercedes C180

1.399

1.399

0

83,9 triệu đồng

Như vậy, sau khi giảm giá mạnh các mẫu xe trong thời điểm giãn cách xã hội do dịch Covid-19 và cũng là thời gian thấp điểm nhất của thị trường, đến thời điểm này chỉ có Thaco tung ra cuộc tổng điều chỉnh giá niêm yết, giảm mức giá niêm yết của 3 thương hiệu Kia, Mazda, Peugeot mà hãng đang sản xuất, lắp ráp và phân phối tại Việt Nam kể từ ngày 9/7/2020.

Trong đó mức điều chỉnh giảm ít nhất là 6 triệu đồng (Kia Morning Deluxe) cho đến cao nhất là giảm giá đến 200 triệu đồng (Mazda CX-8 2.5 Premium).

Trước đó, hồi đầu tháng 7, công VinFast cũng thông báo kể từ 15/7, xe VinFast sẽ trở về mức giá cũ, chấm dứt giai đoạn ưu đãi "3 không" mà hãng xe Việt dành cho khách hàng.

Như vậy, khi các ưu đãi bị cắt bỏ, các dòng xe hiện hữu của VinFast sẽ có mức giá tăng khoảng 5 - 6% so với 6 tháng trước, thực chất là trở về giá cũ dịp Tết.

Về cơ bản mức giá niêm yết không thay đổi lớn kể từ đầu năm 2020, nhưng mức giá giao xe đến khách hàng có biến động từng tháng, tùy thuộc gói ưu đãi.

Giám đốc một đại lý ô tô cho hay, mức giá niêm yết liên quan đến 3 yếu tố, thứ nhất là chính sách bán hàng của hãng, cần đảm bảo sự nhất quán ổn định trong một khoảng thời gian đủ dài, ít nhất là 3 tháng trở lên.

Yếu tố thứ hai là giá niêm yết liên quan đến công việc báo cáo thuế và kế toán nội bộ doanh nghiệp, cũng không thể trồi sụt liên tiếp được.

Yếu tố thứ ba không kém phần quan trọng, đó là tạo sự yên tâm của khách hàng về một tài sản lớn không thể bị mất giá, giảm giá ngay sau một vài tháng mua về.

Cách vận hành về giá của thị trường ô tô Việt Nam đang tiệm cận với thị trường thế giới, khi mà từ giá niêm yết (của hãng) đến giá bán (của đại lý) cộng với giá lăn bánh (của chính sách thuế phí) được định hình một cách rõ nét, tạo "khoảng sân" phù hợp về giá để các đại lý cạnh tranh, vị giám đốc đại lý phân tích thêm.

Theo báo cáo mới nhất từ VAMA, 6 tháng qua thị trường ô tô sụt giảm đến 31% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 43%, xe nhập khẩu giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bởi vậy, khách hàng mua xe ngoài việc nhận được hỗ trợ từ hãng (ưu đãi, giảm giá) trong 6 tháng đầu năm, 6 tháng cuối năm còn tiếp tục nhận được ưu đãi từ Chính phủ (giảm 50% phí trước bạ xe lắp ráp trong nước) để kích cầu.

Nguồn: https://xe.baogiaothong.vn/gia-o-to-san-xuat-trong-nuoc-tang-hay-giam-trong-6-thang-qua-d472018....