Tại "Sách Trắng 2020" về các vấn đề kinh tế Việt Nam được công bố sáng nay 30-6, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã đề nghị Chính phủ Việt Nam áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ cho tất cả doanh nghiệp nhập khẩu, lắp ráp và phân phối ô tô mới thay vì chỉ cho xe lắp ráp trong nước.
EuroCham cho rằng đây là sự phân biệt đối xử trong áp dụng giảm thuế, đồng thời hiệp hội này khuyến nghị giảm 50% thuế GTGT và lệ phí trước bạ.
EuroCham đề nghị giảm 50% phí trước bạ với cả ô tô nhập khẩu - Ảnh minh họa
Về yêu cầu kiểm định đối với ngành kinh doanh ô tô, EuroCham khuyến nghị chỉ kiểm tra 1 lần cho lần thông quan đầu tiên cho các bộ phận và thiết bị nhập khẩu, và tiếp tục công nhận giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại có giá trị của UNECE/ECE và/hoặc báo cáo kiểm định đính kèm sản phẩm, đặc biệt khi EVFTA đi vào hiệu lực trong năm 2020.
Các doanh nghiệp châu Âu đề nghị tối giản thủ tục hành chính cho nhà nhập khẩu. Theo đó, cơ quan hải quan nên được phép giải phóng một phần lô hàng chứa tất cả các phụ tùng không ảnh hưởng theo Thông tư 05 thay vì chặn toàn bộ lô hàng như hiện nay. Đối với những phụ tùng không thuộc xe nhập khẩu CBU hoặc lắp ráp CKD đã được kiểm định, chứng nhận chỉ nên được tiến hành một lần, áp dụng cho lần đầu nhập khẩu
Bên cạnh đó, EuroCham đề nghị Chính phủ Việt Nam xem xét sửa đổi Nghị định53/2018/NĐ-CP để cung cấp định nghĩa rõ ràng về đối tượng hàng hóa thuộc phạm vi quản lý, để các nhà nhập khẩu ô tô cập nhật giấy phép kinh doanh cho phù hợp.
Đề xuất nhiều ưu tiên đối với xe điện
Đồng thời EuroCham đề xuất nhiều ưu tiên đối với xe điện. Theo đó, để đẩy nhanh thử nghiệm công nghệ, theo một số chính sách miễn thuế cho xe điện nhập khẩu CBU cần được áp dụng cho cả nhà nhập khẩu CBU và nhà lắp ráp CKD có phối hợp với đối tác tại Việt Nam.
Việt Nam cần bãi bỏ thuế nhập khẩu cho xe điện, xe kết hợp (hybrid điện và xăng) trong nhóm xe nhập khẩu CBU và cả các linh kiện lắp ráp, nguyên vật liệu gốc và thiết bị sản xuất nhập khẩu để sản xuất và lắp ráp xe điện.
EuroCham đề nghị Việt Nam bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng cho xe điện, đồng thời hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ, và hỗ trợ phát triển hệ thống sạc điện tại các đô thị lớn nhằm phát triển hệ thống đô thị thông minh.
Hiệp hội này còn kiến nghị được miễn phí sử dụng đất trong 15 năm từ lúc khởi công dự án; giảm 50% phí sử dụng đất trong 5 năm tiếp theo; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 10 năm sau khi lắp ráp thành công xe điện nội địa đầu tiên và giảm 50% thuế cho 10 năm tiếp theo; giảm 50% thuế cho 5 năm tiếp theo; giảm 50% phí đăng ký xe điện; áp dụng 2% phí chuyển giao quyền sở hữu cho người xe điện cá nhân, và miễn phí cho xe buýt/xe tải điện.
Đề nghị giảm nhiều loại thuế
EuroCham cũng đề nghị giảm 50% thuế Thu nhập doanh nghiệp cho năm tài chính 2020 cho tất cả doanh nghiệp trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng. Chính sách hỗ trợ không nên giới hạn chỉ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì trên thực tế rất nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trong các ngành nghề chịu tác động của dịch Covid-19 cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề;
Giảm 50% thuế Thu nhập cá nhân cho toàn bộ người nộp thuế ở Việt Nam trong năm tài chính 2020;
Giảm 50% thuế Giá trị gia tăng cho năm tài chính 2020 để kích cầu và tiêu thụ, hỗ trợ nền kinh tế và toàn xã hội phục hồi; và
Giảm 50% khoản đóng góp bảo hiểm xã hội bắt buộc trong năm 2020 cho tất cả các đối tượng chịu ảnh hưởng.