MB88
VT88

Dựng ảnh vi phạm giao thông bằng AI: Trò vui có thể trả giá

Trong bối cảnh công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển nhanh chóng, các công cụ như ChatGPT, Gemini hay Midjourney đang trở nên phổ biến, mang lại nhiều cơ hội sáng tạo hình ảnh và nội dung chưa từng có. 

Tuy nhiên, đi kèm với tiện ích này là một hệ lụy đáng lo ngại. Gần đây, nhiều người dùng mạng xã hội đang lợi dụng AI để tạo ra những hình ảnh, tình huống giả mạo rồi chia sẻ công khai như thể đó là sự thật.

Trên các nền tảng mạng xã hội, không khó để bắt gặp những hình ảnh được dựng bằng AI trong đó nhân vật chính, vốn là một người bình thường lại xuất hiện bên cạnh siêu xe, diện trang phục hàng hiệu hoặc đứng trong các khung cảnh hào nhoáng. Đáng chú ý, nhiều hình ảnh còn lồng ghép hình ảnh chiến sĩ cảnh sát giao thông (CSGT) đang làm nhiệm vụ, tạo cảm giác như một vụ vi phạm giao thông thực sự vừa xảy ra.

Các hình ảnh này thường được "dựng cảnh" tại những địa điểm quen thuộc trong thành phố, khiến chúng trở nên rất chân thực và dễ gây hiểu nhầm cho người xem. Trong một số trường hợp, người tạo nội dung thừa nhận hành vi của mình chỉ với mục đích giải trí, để thu hút lượt tương tác. Tuy nhiên, việc gán ghép hình ảnh của lực lượng chức năng vào những tình huống không có thật, dù với bất kỳ lý do nào, đều có thể dẫn đến hệ quả nghiêm trọng.

Việc này không chỉ tạo ra thông tin sai sự thật mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của cơ quan thực thi pháp luật. Trong môi trường số, nơi thông tin lan truyền nhanh và rộng, những hình ảnh "dựng chuyện" như vậy dễ khiến cộng đồng hiểu nhầm, hoài nghi và dần xói mòn niềm tin vào lực lượng chức năng.

Theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xúc phạm danh dự tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các lực lượng thuộc Công an nhân dân, có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt lên tới hàng chục triệu đồng. Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thế giới ảo không phải là nơi nằm ngoài vòng kiểm soát của pháp luật. Trong thời đại mà AI có thể tạo ra hình ảnh, giọng nói và kịch bản vô cùng thuyết phục, việc kiểm soát nội dung trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Người dùng không thể viện lý do "giải trí" để bao biện cho hành vi đưa thông tin sai lệch, đặc biệt là khi nó ảnh hưởng đến danh dự của tổ chức, cá nhân hoặc gây hoang mang trong xã hội.

Việc sử dụng AI cần được đặt trong khuôn khổ đạo đức và pháp luật rõ ràng. Mỗi cá nhân cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm khi sáng tạo nội dung, đặc biệt là với những hình ảnh có thể gây hiểu lầm hoặc xuyên tạc thực tế. Bởi ranh giới giữa “thử công nghệ” và “vi phạm pháp luật” ngày càng trở nên mong manh khi AI ngày càng mạnh mẽ.

TH (Tuoitrethudo)

Ảnh: MXH