Ô tô đang được Cục Đăng kiểm Việt Nam thử nghiệm khí thải
Không chỉ bị nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đánh giá là còn nhiều lý thuyết, không sát với tế, dự thảo Luật bảo vệ môi trường mới đây còn bị phát hiện có nhiều điểm chồng chéo với một số Luật hiện hành.
Tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân
Tại dự thảo Luật bảo vệ môi trường, tại Khoản 3 Điều 92 về Quản lý và kiểm soát bụi, khí thải đã bổ sung quy định: “Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải của phương tiện giao thông vận tải…”.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, quy định này chồng chéo với trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Bộ GTVT đã được thể hiện trong 5 Bộ luật/ Luật chuyên ngành GTVT và Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa. Theo đó, trong các bộ luật nêu trên đều quy định Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường(ATKT&BVMT) của các loại phương tiện (xe cơ giới đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, tàu biển, hàng không…) và chịu trách nhiệm về chất lượng về quản lý chất lượng hàng hóa đối với các sản phẩm nêu trên...
Việc quy định như trên sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như: Không đảm bảo nguyên tắc thống nhất trong quản lý nhà nước về chất lượng ATKT&BVMT, hiệu quả năng lượng, an ninh đối với phương tiện giao thông.
Bên cạnh đó phương tiện giao thông sẽ phải chịu sự quản lý của nhiều Bộ, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp nhập khẩu và người sử dụng phương tiện giao thông trong việc thực thi quy định pháp luật.
Việc cơ quan ban hành quy chuẩn về khí thải phương tiện giao thông không có chuyên môn về chuyên ngành phương tiện có thể dẫn tới quy chuẩn ban hành không đảm bảo tính khả thi trong triển khai áp dụng trong thực tế.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam, trong quy định hiện nay, Bộ GTVT là cơ quan duy nhất ban hành tiêu chuẩn ATKT&BVMT đối với các loại phương tiện giao thông. Vì vậy, nếu phát sinh thêm việc quản lý của một Bộ nữa quản lý về khí thải thì các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất ô tô – xe máy sẽ phải phát sinh chi phí, thủ tục và cả bộ máy do khi đó Bộ TNMT cũng phải thành lập một bộ phận chuyên trách về việc này. Hơn nữa, khí thải phương tiện có liên quan mật thiết đến kết cấu, công nghệ chế tạo động cơ nên việc cơ quan không có chuyên môn sâu về phương tiện giao thông thực hiện ban hành quy chuẩn kỹ thuật có thể dẫn tới các quy định “trên trời” không sát thực tế hoặc khó khăn cho doanh nghiệp khi áp dụng.
Được biết trong quá trình góp ý cho dự thảo Luật Bảo vệ môi trường, Bộ GTVT đã có ý kiến nêu lên sự chồng chéo trong quy định này tuy nhiên ý kiến đã không được Bộ TNMT tiếp thu.
Phương tiện giao thông “một cổ hai tròng”
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Tiểu ban chính sách Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, nếu đúng như dự thảo Luật bảo vệ môi trường thì có thể hiểu là Bộ TNMT đang làm thay việc của Bộ GTVT trong việc quản lý phương tiện vận tải. “Hiện nay Bộ GTVT đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật khí thải QCVN86 cho xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu và Quyết định 16 cho xe đang lưu hành và đang thực hiện ổn định, không có vướng mắc gì. Vì thế không có lý do gì để có thêm một cơ quan khác tham gia thực hiện việc này dẫn đến những chồng chéo trong quản lý, thực thi, gây khó khăn cho việc tuân thủ”.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm phục vụ trong ngành công nghiệp ô tô của Đức, chuyên gia công nghiệp ô tô Nguyễn Minh Đồng phân tích, hiện nay việc kiểm tra khí thải là chức năng chuyên ngành là của cơ quan đăng kiểm. Nếu dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) thiết kế thêm một cơ quan kiểm soát khí thải ở Bộ TNMT tức là thêm một cơ quan đăng kiểm mới, chỉ kiểm soát được mỗi phần khí thải, còn các yếu tố kỹ thuật khác không kiểm tra được. Như vậy vừa chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, vừa dẫn đến tình trạng "một cổ hai tròng" đè lên đầu phương tiện về mặt kiểm soát khí thải, hệ lụy là phát sinh chi phí cho người dân và doanh nghiệp, trong khi chưa biết hiệu quả đến đâu.
Nhóm phóng viên cũng đã tìm hiểu và thấy rằng mô hình một cơ quan quản lý về chất lượng phương tiện (an toàn và khí thải) cũng đang được áp dụng khá phổ biến tại các nước có công nghiệp ô tô mạnh như Anh, Đức, Ý, Thụy Điển, Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan… Các nước như Hoa Kỳ, Trung Quốc do quy mô quản lý quá lớn nên họ áp dụng mô hình hai bộ quản lý riêng về an toàn và môi trường.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico: “Nếu Luật bảo vệ môi trường có quy định như vậy thì sẽ “đẻ” thêm ra một cơ quan mới. Với luật này, cái gốc phải đặt ở nhà sản xuất, niên hạn sử dụng và khâu kiểm định phương tiện. Việc kiểm soát khí thải ở Việt Nam chỉ cần quản như vậy đã đạt được 70 -80% vì thực ra chẳng có gì có thể quản được 100%. Nếu “đẻ” ra cơ quan quản lý mới thì trùng trùng điệp điệp bao nhiêu bộ máy trong khi hiệu quả không rõ ràng. Cái này có thể liên hệ với quy định về bảo hiểm TNDS, bao nhiêu cơ quan quản lý, kiểm soát nhưng khi rà soát mới thấy đa số không thực hiện. Việc kiểm soát khi thải nó khó hơn nhiều, không phải kiểm tra bằng mắt, chỉ có thể kiểm tra qua hệ thống đăng kiểm hoặc kiểm soát từ khâu sản xuất”.
Ở góc độ ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ông Đức cho rằng, việc có sự chồng chéo giữa các quy định pháp luật sẽ dẫn đến hệ quả làm phức tạp, rắc rối, dẫn đến tình trạng nhờn luật. Cái đấy là nguy hiểm nhất. Bên cạnh đó chi phí quá lớn, mất kiểm soát, làm cả hệ thống pháp luật ảnh hưởng ghê gớm.
Nguồn: https://xe.baogiaothong.vn/du-thao-luat-bao-ve-moi-truong-o-to-xe-may-mot-co-hai-trong-d466669.h...Nguồn: https://xe.baogiaothong.vn/du-thao-luat-bao-ve-moi-truong-o-to-xe-may-mot-co-hai-trong-d466669.html