Doanh nghiệp khởi kiện Cục Đăng kiểm Việt Nam đòi bồi thường hơn 12,7 tỷ

Công ty CP Đầu tư - Thương mại và Dịch vụ Vinacomin thấy việc Cục ĐKVN từ chối tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký kiểm tra 10 xe ô tô sát-xi có buồng lái nhãn hiệu SCANIA nhập khẩu của công ty này là hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng nên đã khởi kiện ra tòa án.

Nguồn tin của Nhadautu.vn cho biết, TAND TP. Hà Nội đã nhận đơn và đang trong giai đoạn xem xét thụ lý vụ án khởi kiện hành chính của Công ty CP Đầu tư - Thương mại và Dịch vụ Vinacomin (V-Itasco) đối với hành vi không tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu của Cục Đăng kiểm Việt Nam (Cục ĐKVN).

Theo tìm hiểu, V-Itasco là đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), được giao nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh xe tải nặng và xe chuyên dùng và TKV ủy quyền thực hiện nhiệm vụ nhập khẩu bộ linh kiện và xe sát-xi để sản xuất, lắp ráp xe tải hạng trung và nặng, xe chuyên dùng và thực hiện nhiệm vụ tiêu thụ xe.

Đầu tháng 4/2019, V-Itaso đã có văn bản số 137/ITASCO-KD1 gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô SCANIA sản xuất, lắp ráp hoạt động trong phạm vi hẹp, không tham gia giao thông đường bộ.

Theo đó, mặc dù không thuộc mặt hàng yêu cầu phải có giấy phép nhập khẩu, V-Itasco xin được nhập khẩu bộ linh kiện, xe sát-xi SCANIA để sản xuất và lắp ráp xe ô tô sử dụng trong công trường mỏ, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 116/2017/NĐ-CP và không phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức Euro4 theo Quyết định 49/2011/QĐ-TTg.

Doanh nghiệp khởi kiện Cục Đăng kiểm Việt Nam đòi bồi thường hơn 12,7 tỷ - Ảnh 1.

Văn bản Bộ GTVT trả lời V-Itasco. Ảnh: PV.

Sau đó, Bộ GTVT có Văn bản số 3535/BGTVT-KHCN trả lời V-Itasco, theo đó, Bộ GTVT có ý kiến: Xe ô tô tự đổ SCANIA của V-Itasco lắp ráp, hoạt động trong nội bộ công trường khai thác mỏ mà không tham gia giao thông đường bộ thì không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 116/2017/NĐ-CP; và không phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức Euro4 theo quyết định 49/2011/QĐ-TTg.

"Để thử nghiệm, chứng nhận cho ô tô tự đổ SCANIA của công ty lắp ráp, hoạt động trong nội bộ công trường khai thác mỏ mà không tham gia giao thông đường bộ, đề nghị công ty liên hệ với Cục ĐKVN để được hướng dẫn. Đồng thời đề nghị công ty thực hiện nghiêm phạm vị hoạt động của ô tô tự đổ SCANNIA nêu trên theo quy định", văn bản của Bộ GTVT nêu.

Tiếp đó, V-Itasco đã ký hợp đồng mua của hãng SCANIA, Hà Lan 10 xe ô tô sát-xi có buồng lái, tiêu chuẩn khí thải Euro3 để bán cho các đơn vị sản xuất trong TKV. Giá trị lô hàng khoảng 30 tỷ đồng.

Ngày 31/3/2020, V-Itasco mở hồ sơ đăng ký kiểm tra có mã số 142020005776 trên Cổng thông tin một cửa quốc gia cho 10 xe ô tô sát-xi có buồng lái, chưa qua sử dụng nhập khẩu nhãn hiệu SCANIA. Tuy nhiên, ngày 3/4/2020, Cục ĐKVN đã xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia với nội dung: "Thông số kỹ thuật không giống với xe đã được GCN kiểu loại, do vậy không đủ căn cứ để xác định lô hàng thuộc đối tượng áp dụng của văn bản số 3535/BGTVT-KHCN".

Sau khi V-Itasco có văn bản phản ánh, kiến nghị tới Bộ GTVT, ngày 13/5/2020, Cục ĐKVN có văn bản số 1380/ĐKVN-VAQ gửi Bộ GTVT lý giải lý do Cục ĐKVN chưa tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra của V-Itasco với dung: Các xe ô tô sát-xi mà V-Itasco nhập khẩu thuộc đối tượng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP nên nguyên tắc kiểm tra chứng nhận chất lượng nhập khẩu phải thực hiện theo quy định của Thông tư 03/2018/TT-BGTVT và Thông tư 05/2020/TT-BGTVT. Tiêu chuẩn khí thải của các xe này là Euro3 không đáp ứng được yêu cầu quy định tại Quyết định 49/2011/QĐ-TTg; theo Văn bản số 3535/BGTVT-KHCN ngày 17/4/2019 thì Bộ GTVT chưa có ý kiến về việc đồng ý cho phép nhập khẩu xe ô tô sát-xi có buồng lái có tiêu chuẩn khí thải Euro3 và loại trừ các xe này khỏi đối tượng áp dụng của Nghị định 116 và quyết định 49 khi làm thủ tục kiểm tra chứng nhận nhập khẩu; kiểu loại xe ô tô sát-xi mà V-Itasco nhập là kiểu loại lần đầu nhập khẩu về Việt Nam và chưa được Cục ĐKVN kiểm tra và thử nghiệm theo quy định.

Đến nay, sau hơn 2 năm kể từ ngày hồ sơ đăng ký kiểm tra lô hàng được nộp lần đầu và sau 7 ngày kể từ ngày Cục ĐKVN nhận được hồ sơ đăng ký kiểm tra lô hàng được nộp lại qua bưu điện và nộp lại qua Cổng thông tin một cửa quốc gia nhưng Cục ĐKVN vẫn chưa tiếp nhận, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ và chưa giải quyết thủ tục đăng ký kiểm tra chất lượng đối với lô làng.

V-Itasco cho rằng Cục ĐKVN từ chối tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký kiểm tra 10 xe ô tô sát-xi có buồng lái nhãn hiệu SCANIA nhập khẩu của Công ty CP ĐT-TM và DV Vinacomin là hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy, doanh nghiệp này đã khởi kiện vụ án hành chính ra TAND TP. Hà Nội.

Doanh nghiệp khởi kiện Cục Đăng kiểm Việt Nam đòi bồi thường hơn 12,7 tỷ - Ảnh 2.

Lô xe của V-Itasco trị giá 30 tỷ "nằm" chờ đăng kiểm hơn 2 năm qua. Ảnh: PV.

V-Itasco yêu cầu TAND TP. Hà Nội xác định hành vi của Cục ĐKVN không tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký kiểm tra 10 xe ô tô sát-xi có buồng lái nhãn hiệu SCANIA nhập khẩu của V-Itasco là trái pháp luật.

V-Itasco yêu cầu TAND TP. Hà Nội buộc Cục ĐKVN phải tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký kiểm tra 10 xe ô tô sát-xi có buồng lái nhãn hiệu SCANIA nhập khẩu của Công ty CP ĐT-TM và DV Vinacomin theo đúng các quy định.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn yêu cầu tòa án buộc Cục ĐKVN phải bồi thường thiệt hại về vật chất do hành vi hành chính trái pháp luật gây ra, tạm tính đến ngày khởi kiện là tổng số tiền hơn 12,7 tỷ đồng, bao gồm: Chi phí lưu kho bãi từ ngày 3/4/2020, tạm tính đến ngày khởi kiện gần 1,5 tỷ đồng; chi phí lãi vay tiền nhập lô hàng từ ngày 3/4/2020, tạm tính đến ngày khởi kiện hơn 6,2 tỷ đồng; thiệt hại do thời gian sử dụng xe cơ giới trong lô hàng bị rút ngắn, tạm tính là 5 tỷ đồng.