Vừa qua, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế vừa có công văn gửi các chuyên gia, một số đơn vị chuyên khoa, đề nghị nghiên cứu, đề xuất về vấn đề nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển các phương tiện giao thông.
Việc đề xuất được căn cứ từ khía cạnh y tế như: nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia; giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trần Văn Giới, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: “Tôi rất ủng hộ việc ban hành các quy định để phòng chống tác hại của rượu bia, tuy nhiên việc quy định cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn là không hợp lý”.
Theo quan điểm của của luật sư Trần Văn Giới, việc lạm dụng rượu bia mới gây tác hại còn việc sử dụng một liều lượng nhỏ thì không tới mức gây hại cho sức khỏe và ảnh hưởng đến khả năng tham gia giao thông.
“Hơn nữa, theo số liệu của các cơ quan chức năng thì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông chứ không phải tất cả mọi trường hợp tại nạn giao thông đều do người tham gia giao thông có nồng độ cồn đến mức phải cấm tuyệt đối như vậy”- Luật sư Giới cho hay.
Bộ Y tế vừa có công văn gửi các chuyên gia, một số đơn vị chuyên khoa, đề nghị nghiên cứu, đề xuất về vấn đề nồng độ cồn. Ảnh: TN
Cũng theo Luật sư, thông tin từ nhiều phương tiện cho thấy nhiều trường hợp ăn một số loại thực phẩm, trái cây hoặc uống thuốc khi thổi nồng độ cồn vẫn vượt mức 0 mặc dù không hề sử dụng bia rượu, nếu điều này được các xác nhận bởi các cơ quan chuyên môn, chuyên gia trong lĩnh vực y tế thì chúng ta không nên có quy định cấm tuyệt đối như vậy.
“Bởi quy định như vậy là chúng ta đang phòng chống tác hại của rượu bia trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo phương châm thà xử phạt nhầm còn hơn bỏ sót, quy định này khi áp dụng trên thực tế có thể gây ra rất nhiều tranh cãi và gây bức xúc rất lớn cho những trường hợp bị xử phạt mà không sử dụng rượu bia”- luật sư Trần Văn Giới nói thêm.
Một chuyên gia ô tô cũng nhận định, việc lạm dụng bia rượu khi tham gia giao thông cần phải phạt kịch khung vì các quy định này đang hướng đến sự an toàn cho người dân.
“Nhưng ngày hôm trước uống 1,2 ly mà ngày hôm sau điều khiển xe vẫn bị tước bằng lái 23 tháng thì đó là 1 thiệt hại vô cùng to lớn cho xã hội bởi họ không thể đi đâu và làm gì được”- vị chuyên gia này nói.
Cũng theo vị này, bất cứ luật nào áp dụng cũng phải nhận được sự đồng thuận của người dân. Xử phạt có tình có lý, không làm đứt gãy cả chuỗi kinh tế ẩm thực cũng như văn hóa của người Việt, như thế công cụ pháp luật mới thực sự đi vào cuộc sống mà không có bất cứ sự phản ứng nào.
Anh Nguyễn Văn Đồng (ngụ Hà Tĩnh) cho rằng: “Đo nồng độ cồn ở mức 0 và buổi sáng là “suy kiệt” các nhà hàng, quán nhậu đặc biệt đánh vào ngành sản xuất rượu bia là mặt hàng đóng thuế tiêu thụ đặc biệt và ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung”.