Đề xuất ô tô không được dừng quá 5 phút liệu có khả thi?

Bộ Công an đề xuất quy định dừng xe không quá 5 phút nêu trong dự thảo luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông.
de xuat o to khong duoc dung qua 5 phut lieu co kha thi
 

Theo Dự thảo Luật Đảm bảo An toàn Giao thông đường bộ do Bộ Công an đề xuất, sẽ có một số thay đổi về quy định dừng đỗ xe.

Đáng chú ý nhất, tại Khoản 1 Điều 18 trong Dự thảo Luật, dừng xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông trong thời gian không quá 5 phút và người điều khiển phương tiện không rời vị trí điều khiển, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện xuống mở cửa xe, xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật. Mặt khác, Khoản 2 Điều 18 quy định rằng đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện mà không phải dừng xe.

Bên cạnh đó, tại Khoản 3 Điều 18 của Dự thảo quy định người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe  trên đường phải có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết khi vào vị trí dừng, đỗ xe. Khi đỗ xe chỉ được rời khỏi xe khi đã kéo phanh tay hoặc thực hiện các biện pháp an toàn.

Trong trường hợp xe gặp sự cố kỹ thuật hoặc buộc phải đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy hoặc tại nơi không được phép đỗ, người điều khiển xe phải đặt biển báo hiệu nguy hiểm phía sau xe và có báo hiệu bằng đèn cảnh báo khẩn cấp. Xe đỗ trên đoàn đường dốc phải được chèn bánh và đánh lái về phía lề đường.

Ngoài ra, Dự thảo Luật mới cũng quy định người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe bên trái đường 1 chiều; trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc nơi có tầm nhìn bị che khuất; trên cầu, gầm cầu vượt; song song với một xe khác đang dừng, đỗ; trên vạch kẻ đường, phần đường dành cho người đi bộ qua đường; nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau.

Như vậy theo quy định mới, ngoài trừ một số trường hợp bắt buộc, người điều khiển phương tiện chỉ được dừng xe trên các tuyến đường tối đa không quá 5 phút. Quy định mới này nhằm tránh tình trạng nhiều phương tiện dừng quá lâu, dễ gây ùn tắc, đặc biệt là giờ cao điểm.

Đánh giá về đề xuất này, nhiều ý kiến cho rằng đây cũng là một đề xuất phù hợp. Tuy nhiên, để đi vào thực tế, việc quản lý theo phương thức này cần phải xem xét kỹ lưỡng. Ông Dương Viết Tri, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) thông tin thêm, quy định này đã có nhiều nước trên thế giới áp dụng. Điển hình, ở một số nước quy định dừng trên 5 phút và xuống đi ra khỏi xe có nghĩa là đỗ xe; dừng để khách lên xuống thì không cần thời gian 5 phút, còn dừng xe để chờ người khác là không được phép.

Tại một số khu vực dành cho người đi bộ, ô tô chỉ được dừng trước 6 giờ sáng. Tuy nhiên, ông Tri cũng cho rằng, để đưa điều này vào luật, những người làm luật đã đo thời gian trong thực tế, đối với xe khách 30 chỗ ngồi, việc dừng xe tại trạm dừng cho khách xuống từ 1 đến 10 người (hành lý xách tay) thì cũng chỉ mất 4 phút. Thường thì ở trạm cuối mới mất nhiều thời gian cho việc khách xuống, tuy nhiên trạm cuối thường là bến xe. “Việc ấn định thời gian dừng không quá 5 phút sẽ giúp cho các thành phố lớn, trong đó có thành phố du lịch như Vũng Tàu sẽ giảm tình trạng kẹt xe trong các dịp cuối tuần, lễ, tết khi lượng ôtô của du khách “đỗ” về rất đông”.

Bên cạnh đó cũng còn một số ý kiến trái chiều, ông Luật sư Phạm Văn Phất Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, việc hạn chế dừng xe chỉ nên áp dụng tại một số tuyến, điểm gây ùn tắc, tương tự như một số địa điểm cố định như sân bay, cửa khách sạn bằng cách đặt các biển báo cấm dừng xe 3 - 5 phút. Còn nếu quy định chung trên tuyến phố, thì sẽ không có bất cứ lực lượng nào đủ khả năng để đi giải quyết, cũng không đủ khả năng để biết họ vi phạm dừng trong bao lâu, từ khi nào…; mà có làm được như thế cũng sẽ mất thời gian, tốn kém nhân lực, vật lực.

“Quy định dừng xe không quá 5 phút có thể hạn chế được ùn tắc ở một vài tuyến phố tại Hà Nội, TP.HCM nhưng sẽ không phù hợp khi ở Kon Tum hay Cà Mau. Quy định của luật nhằm đảm bảo chung cho tất cả, thì mới công bằng và đảm bảo sự uy nghiêm của pháp luật”, luật sư Phất nói.