Có mặt tại đại lý Toyota Long Biên (số 7 - 9 đường Nguyễn Văn Linh, Long Biên, Hà Nội) chiều 4/3, PV ghi nhận khung cảnh khá vắng vẻ. Tại sảnh trưng bày xe, chỉ có nhân viên của đại lý chứ không có bóng dáng khách hàng nào xem xe.
Một nhân viên kinh doanh tại đây cho hay, ra Tết khách vốn đã vắng hơn so với trước Tết, thế nhưng từ khi có dịch Covid-19, việc kinh doanh lại càng thêm khó khăn. “Như tháng trước, đại lý chỉ bán được khoảng 100 xe (thông thường các đại lý Toyota bán khoảng 200 xe/tháng - PV), nhân viên này chia sẻ.
Không chỉ việc kinh doanh chậm hơn hẳn mà khách đến làm dịch vụ cũng vắng đi rất nhiều. Quan sát, bãi đỗ xe chờ làm dịch vụ, khu phòng chờ cho khách chờ xe làm dịch vụ theo lời nhân viên đại lý mọi ngày đông đúc, chật kín thì nay cũng thưa thớt, chỉ có một vài xe hỏng nặng mới mang tới sửa.
Khu xe chờ làm dịch vụ tại đại lý Toyota Long Biên mọi ngày vốn đông đúc, chật kín nay còn trống rất nhiều chỗ |
Nhân viên đại lý này còn cho hay, vì dịch bệnh nên hiện đại lý đã phải cắt giảm bớt nhân sự kinh doanh. “Ngày trước, phòng kinh doanh có khoảng 60 - 70 người nhưng nay bị khoán sĩ số chỉ còn khoảng 40 - 45 người nên phải có chính sách cắt giảm”, nhân viên đại lý cho biết thêm.
Tương tự, chiều 3/3 có mặt tại đại lý Mitsubishi Hà Đông, PV cũng nhận thấy tình trạng vắng khách bất thường. Theo chia sẻ của nhân viên đại lý, ngoài nguyên nhân đầu năm nên nhu cầu mua xe của người dân chưa nhiều thì dịch Covid-19 khiến khách hàng e ngại khi đến chỗ đông người. Hơn thế, khi xảy ra dịch bệnh, nhiều người đã tạm hoãn việc mua sắm để phòng tình huống xấu xảy ra.
Khá khẩm hơn, nhân viên đại lý Mitsubishi An Dân (số 1 Nguyễn Văn Linh, Long Biên, Hà Nội) cho biết, những ngày này vẫn có khách đến ký hợp đồng và bàn giao xe, nhưng chủ yếu là khách ở tỉnh và thường đông hơn vào ngày nghỉ. Nhưng nhìn chung, lượng khách tới đại lý hiện nay cũng rất thưa vắng. “Trước Tết, mỗi tháng đại lý bán ra khoảng 100 xe nhưng như tháng 2 vừa qua chỉ bán được khoảng 60 chiếc”, nhân viên này chia sẻ thêm.
Trước sự vắng vẻ tại nhiều đại lý, đại diện một hãng ô tô tại Việt Nam từ chối tiết lộ doanh số cũng như tình hình kinh doanh trong thời điểm dịch Covid-19.
Dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng tới sức mua của thị trường |
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban Chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) nhận định, rất có thể việc kinh doanh ô tô ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng. “Bởi dịch Covid-19 ảnh hưởng tới mọi mặt của xã hội, trong đó có cả kinh tế. Mà kinh tế ảnh hưởng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức mua”, ông Hiếu nói.
Cũng theo ông Hiếu, dịch Covid-19 ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, ví dụ như Hyundai đã tạm đóng cửa một số nhà máy. Nhưng tại Việt Nam, theo nhận định về ngắn hạn, nhờ nguồn cung ứng linh kiện, phụ tùng đa dạng từ nhiều nước, các hãng ô tô vẫn còn linh kiện nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp trong kho nên có thể các hãng xe vẫn chưa chịu ảnh hưởng, vẫn sản xuất bình thường. Còn hãng xe nào sản xuất xe nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc, chủ yếu là xe tải, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng ngay về mặt sản xuất. Nhưng nếu như dịch bệnh kéo dài, nguồn cung linh kiện từ nhiều nước bị ảnh hưởng thì chắc chắn hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, chỉ là vấn đề thời gian.
Trao đổi với PV, đại diện hãng ô tô có doanh số cao nhất Việt Nam năm 2019 vừa qua là Toyota (TMV) khẳng định, dịch Covid-19 không ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng linh phụ kiện của TMV. Hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của công ty vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, TMV vẫn đang theo dõi chặt chẽ tình hình dịch để chủ động lên phương án đảm bảo an toàn cho nhân viên và duy trì hoạt động, không để ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.
Dịch bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất |
Một chuyên gia trong ngành ô tô nhận định, có thể dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người mua xe, ngại đến đại lý xem xe. Tuy nhiên để ứng phó, các đại lý cũng có thể tìm cách bán hàng mà khách không cần phải tới đại lý mới mua được xe. Khi đó, khách ngồi nhà vẫn có thể chốt được hợp đồng và đặt lịch giao xe tới tận nhà. Hoặc có thể ưu đãi, giảm giá mạnh để kích thích khách hàng mua xe cũng là một giải pháp.
Hiện, chưa rõ có phải để kích cầu mua sắm trước tình hình dịch bệnh hay không, nhưng nhiều hãng xe, đại lý cũng đã có động thái giảm giá trong thời gian qua. Như Toyota Việt Nam hỗ trợ một phần lệ phí trước bạ cho 3 mẫu xe Corolla Altis, Innova (2 phiên bản) và Fortuner (2 phiên bản). Nhiều đại lý Honda được ghi nhận giảm giá mạnh cho các mẫu xe như HR-V, Civic hay CR-V… Hay mới đây nhất là VinFast cũng đã tung ra chương trình giảm giá từ ngày 1/3, khi mua các mẫu ô tô VinFast, nếu khách hàng không vay ngân hàng đều được giảm giá 10% (khách đăng ký xe không kinh doanh vận tải) hoặc 13% (khách đăng ký xe với mục đích kinh doanh vận tải).
Bên cạnh đó, theo ông Hiếu, đại lý cũng có thể khiến khách hàng có tâm lý yên tâm hơn khi đi xem xe bằng cách luôn vệ sinh sạch sẽ, có sẵn khẩu trang và nước rửa tay khô, diệt khuẩn khu vực làm việc và đón tiếp khách hàng. Xe trưng bày, lái thử cũng cần được lau chùi sạch sau khi sử dụng.
(Theo Báo Giao Thông)