Cục Đường bộ Việt Nam lên tiếng về phần thi mô phỏng lái xe

Cục Đường bộ Việt Nam cho biết sẽ điều chỉnh cách chấm điểm trong phần thi mô phỏng và sẽ bỏ nội dung sát hạch này đối với người đã có bằng lái xe. 

Cục Đường bộ Việt Nam đang hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX). Trong đó, một trong những điểm mới được nhiều người quan tâm là người quá hạn bằng lái xe từ 3 tháng phải thi lại cả lý thuyết và mô phỏng.

Sẽ sửa đổi cách chấm điểm

Dự thảo quy định người có GPLX quá hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm, kể từ ngày hết hạn phải sát hạch lại lý thuyết, phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để cấp lại GPLX.

Từ 1 năm trở lên, kể từ ngày hết hạn phải sát hạch lại lý thuyết, phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, thực hành lái xe trong hình và trên đường để cấp lại GPLX.

Cục Đường bộ Việt Nam lên tiếng về phần thi mô phỏng lái xe - 1

Cục Đường bộ Việt Nam lên tiếng về phần thi mô phỏng trong đào tạo, sát hạch lái xe. Ảnh: TN

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Phòng Quản lý phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam), cho biết các nội dung trong quy định về đào tạo, sát hạch cấp GPLX được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Thời gian vừa qua Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu, lấy ý kiến các cơ quan, ban ngành, địa phương nhằm bổ sung, sửa đổi Thông tư 04 về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đường bộ.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ, Cục Đường bộ Việt Nam đã tiếp thu các ý kiến góp ý của các địa phương. Hiện Cục này này đang phối hợp với đơn vị xây dựng phần mềm điều chỉnh cho phần thi mô phỏng.

“Theo đó, chúng tôi sẽ điều chỉnh các tình huống phù hợp thực tế. Điều chỉnh cách chấm điểm theo hướng kéo dài thời gian nhận biết tình huống nguy hiểm. Đặc biệt sẽ bỏ nội dung sát hạch này đối với người đã có GPLX nhưng phải thi lại do bằng lái quá hạn”- lãnh đạo này cho hay.

Đề xuất bỏ phần thi mô phỏng trong sát hạch

Trong thời gian vừa qua áp dụng đào tạo và sát hạch phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông đã gây nhiều ý kiến trái chiều, nhiều địa phương đã kiến nghị đưa phần này vào đào tạo mà không phải sát hạch cấp GPLX.

Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết: “Ngay thời điểm mới áp dụng, chúng tôi đã có văn bản kiến nghị với Cục Đường bộ Việt Nam về những bất cập trong các tình huống của phần thi mô phỏng và đã được Cục sửa đổi. Tuy nhiên, có thể các sửa đổi này chưa triệt để nên vẫn gây khó khăn cho người thi”.

Cục Đường bộ Việt Nam lên tiếng về phần thi mô phỏng lái xe - 2

Cục Đường bộ Việt Nam đang hoàn thiện dự thảo quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Ảnh: TN

Trong phần góp ý gửi Cục Đường bộ, Sở GTVT Bình Dương nhận định các tình huống mô phỏng chưa thực tế. Do đó, Sở này đề nghị xem xét lại tính thực tế cũng như hiệu quả, kỹ năng mang lại và có cần thiết duy trì hay không.

Tương tự như vậy, Sở GTVT Bình Định cho rằng phần mềm mô phỏng nên đưa vào nội dung bài giảng Luật Giao thông đường bộ và Kỹ thuật lái xe, không sử dụng làm một nội dung sát hạch lái xe.

Sở GTVT Đà Nẵng đề xuất đưa vào chương trình đào tạo môn xử lý tình huống giao thông trên clip mô phỏng để người học làm quen nhưng bỏ quy định phải sát hạch nội dung lý thuyết mô phỏng các tình huống giao thông.

Sở GTVT Quảng Nam nhận định: Phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, nên là một công cụ hỗ trợ trong chương trình đào tạo. Các môn học lý thuyết là để trang bị kiến thức, kỹ năng để người học vận dụng vào quá trình lái xe trên đường giao thông của mình sau này. Việc đánh giá kỹ năng thực hành lái xe của người học đã được thực hiện ở nội dung sát hạch thực hành lái xe. Nội dung đào tạo thực hành trên cabin: bất cập với xã hội hiện nay. Các cơ sở đào tạo hiện nay ngoài việc đầu tư số lượng xe đào tạo đáp ứng theo quy định cho lưu lượng đào tạo còn có nhiều xe đào tạo dự phòng thì việc học trên cabin không còn phù hợp, nó chỉ phù hợp các ngành nghề hạn chế về phương tiện (hàng không), người học khó tiếp cận với phương tiện và việc đầu tư phương tiện với chi phí cao.

“Vì vậy, đề xuất xây dựng lại chương trình đào tạo, lồng ghép, giảm số lượng môn học trùng lẫn, đưa vào chương trình đào tạo môn xử lý tình huống giao thông trên clip mô phỏng để người học làm quen nhưng bỏ quy định phải sát hạch nội dung lý thuyết mô phỏng các tình huống giao thông”- Sở này đề xuất.

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên1 18 19 20 2122