Sau thời gian trượt dài, cổ phiếu TMT của CTCP Ô tô TMT (TMT Motor) vừa bất ngờ tăng kịch trần phiên 3/6 lên mức 11.750 đồng/cp trong tình trạng "trắng bên bán". Đây là lần đầu tiên cổ phiếu này tăng hết biên độ một phiên sau gần một năm kể từ ngày 13/6/2023. Dù vậy so với thời điểm đầu năm 2024, thị giá TMT vẫn còn thấp hơn khoảng 25%.
Trước đó, vào cuối tháng 4, TMT đã có biến động lớn trong cơ cấu cổ đông. Cụ thể, bà Bùi Thị Huế đã hoàn tất mua thêm 3,26 triệu cổ phiếu TMT trong ngày 26/4 để nâng sở hữu lên 3,72 triệu đơn vị (tỷ lệ 10,1%) qua đó trở thành cổ đông lớn.
Chiều ngược lại, cùng ngày 26/4, bà Bùi Thị Hồng Nhung đã bán ròng 2,16 triệu cổ phiếu trong ngày 26/4 qua đó giảm sở hữu xuống còn 1,1 triệu đơn vị (tỷ lệ 2,98%) và không còn là cổ đông lớn. Tương tự, ông Lê Tiến Phan cũng bán bớt 1,1 triệu cổ phiếu TMT trong ngày 26/4 qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 19,36% xuống còn 16,38%.
TMT Motors tiền thân là Công ty Thương mại và Sản xuất vật tư Thiết bị giao thông vận tải. Hoạt động chính của công ty là sản xuất, lắp ráp và kinh doanh xe ô tô, phụ tùng các loại. TMT Motors từ lâu đã được biết đến là đơn vị có các sản phẩm xe tải nổi tiếng như Cửu Long, Tata, Howo, xe đầu kéo Sinotruk,… có tải trọng lớn.
Công ty này gây chú ý khi tham gia vào thị trường xe điện bằng việc sản xuất, lắp ráp và phân phối mẫu xe điện Wuling Hongguang MiniEV tại thị trường Việt Nam. Được biết, Wuling Mini EV là mẫu xe điện cỡ nhỏ nổi tiếng của Trung Quốc, đạt danh hiệu "ô tô điện cỡ nhỏ bán chạy nhất thế giới 4 năm liên tiếp, kể từ năm 2020 đến hết năm 2023.
Tại Việt Nam, xe được sản xuất, lắp ráp bởi liên doanh TMT Motors và General Motors (GM) – (SAIC – WULING). Trong đó, liên doanh GM – (SAIC – WULING) cung cấp linh kiện, ủy quyền cho TMT Motors độc quyền sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng ô tô điện thương hiệu Wuling tại Việt Nam. TMT Motors đã phối hợp với các đại lý, chính thức khai trương hơn 20 đại lý Wuling ủy quyền tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Giá bán đối với phiên bản tiêu chuẩn + pin 120km (LV1 – 120) là 239 triệu đồng, còn đối với phiên bản tiêu chuẩn + pin 170km (LV1 – 170) là 265 triệu đồng. Giá bán đối với phiên bản nâng cao + pin 120km (LV2 – 120) là 255 triệu đồng, đối với phiên bản nâng cao + pin 170km (LV2 – 170) là 282 triệu đồng. Đây là mức giá bán khởi điểm rẻ nhất thị trường, thấp hơn cả xe hạng A như Hyundai Grand i10 hay Kia Morning cùng với kiểu dáng thiết kế có thể xem là "độc, lạ".
Giá rẻ nhưng doanh số của TMT Motor lại không như kỳ vọng. Năm ngoái, công ty chỉ bán được vẻn vẹn 591 chiếc xe điện Wuling HongGuang MiniEV ra thị trường, bằng 11% so với kế hoạch doanh số 5.525 chiếc đặt ra trước đó. Với số lượng xe bán được, TMT Motors ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.634 tỷ đồng, giảm 13% và hoàn thành 55% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm mạnh 95% xuống gần 2,4 tỷ đồng và chỉ hoàn thành 3% kế hoạch.
"Ế ẩm" trong năm ngoái, bước sang 2024, TMT Motors đã lên kế hoạch tổng doanh số của dòng sản phẩm xe điện chỉ ở mức 1.016 chiếc. Dù tăng đến 71% so với mức thực hiện trong năm trước song đây vẫn là con số ở mức rất thấp. Về chỉ tiêu kinh doanh 2024, TMT Motors đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 2.645 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 38,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 1% và 475% so với năm trước.
Quý đầu năm, TMT Motor ghi nhận doanh thu thuần đạt 516 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2023. Sau khi trừ giá vốn và chi phí, công ty lãi sau thuế chưa đến 270 triệu đồng, giảm mạnh 86% so với mức lãi gần 2 tỷ của cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, TMT Motor đã thực hiện được 20% mục tiêu doanh thu thuần nhưng chưa tới 1% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.