Xe điện có thể gây say xe nhiều hơn do thiếu tiếng động cơ, phanh tái tạo và não chưa quen dự đoán chuyển động. Nghiên cứu mới cho thấy cách xử lý bằng tín hiệu thị giác và rung động có thể giúp giảm say xe. Cụ thể, trong năm 2024, xe điện chiếm tới 22% tổng doanh số bán ô tô mới toàn cầu, tăng mạnh so với mức 18% năm trước.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này cũng kéo theo một hiện tượng mới: người dùng chia sẻ ngày càng nhiều về cảm giác buồn nôn, chóng mặt, đặc biệt khi là hành khách trên xe điện. Tình trạng say xe được ghi nhận nhiều hơn khi hành khách lần đầu trải nghiệm xe điện. Đây không chỉ là cảm giác chủ quan mà còn có cơ sở khoa học rõ ràng.
Theo William Edmond, nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên nghiên cứu say xe tại Đại học Công nghệ Belfort-Montbéliard (Pháp), sự khác biệt giữa xe điện và xe động cơ đốt trong khiến não bộ khó dự đoán chuyển động, từ đó tạo ra cảm giác mâu thuẫn thần kinh.
Trong khi người dùng đã quen với tín hiệu như tiếng động cơ, độ rung và phản hồi mô-men xoắn của xe chạy xăng/dầu, xe điện vận hành êm ái, gần như không phát tiếng động, khiến não thiếu dữ liệu để dự đoán chuyển động tiếp theo.
Khi sự không đồng bộ giữa tín hiệu từ tai trong (giữ thăng bằng), mắt và cơ thể xảy ra, não nhận thấy sự “xung đột cảm giác” và phản ứng bằng cảm giác buồn nôn – biểu hiện đặc trưng của say xe. Một yếu tố khác góp phần đáng kể là hệ thống phanh tái tạo – đặc biệt khi sử dụng chế độ "một bàn đạp". Việc xe giảm tốc ngay khi nhấc chân khỏi ga có thể tạo ra cảm giác giật, kéo dài và bất ngờ, dễ gây buồn nôn cho hành khách không quen.
Nghiên cứu năm 2024 đã xác nhận rằng mức độ phanh tái tạo cao có tương quan trực tiếp với mức độ say xe. Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2020 cũng cho rằng việc thiếu âm thanh động cơ và rung động ở xe điện làm giảm khả năng não dự đoán chuyển động.
Say xe thường xảy ra ở hành khách hơn là người lái. Nguyên nhân là do người điều khiển có khả năng dự đoán chuyển động tốt hơn vì họ chủ động điều khiển phương tiện. Trong xe điện, người ngồi ghế sau hoặc không quan sát được đường dễ rơi vào trạng thái mất định hướng, từ đó làm trầm trọng thêm triệu chứng say xe.
Một số nhà nghiên cứu đang tìm cách cải thiện trải nghiệm cho hành khách trên xe điện. Gợi ý bao gồm sử dụng các tín hiệu thị giác như ánh sáng LED phản hồi, màn hình hiển thị chuyển động, hoặc rung động đồng bộ theo gia tốc để giúp não dự đoán chính xác hơn.
Khi quyền sở hữu xe điện tiếp tục tăng, các nhà sản xuất và kỹ sư đang dần hiểu rõ hơn về tương tác giữa con người và công nghệ di chuyển mới. Say xe không còn là hiện tượng đơn thuần, mà trở thành yếu tố cần cân nhắc trong thiết kế trải nghiệm người dùng tương lai.