Chưa có bằng lái ô tô có được thi bằng lái xe hạng E?

(PLO)- Thông tư 05/2024 của Bộ GTVT sửa đổi các bài thi đối với người thi bằng lái xe hạng E. 

Chưa có bằng lái xe ô tô có thi bằng lái xe hạng E được không?

Theo quy định tại Chương II Thông tư 12/2017 (được sửa đổi bởi Thông tư 05/2024) của Bộ GTVT quy định về chương trình đào lái xe các hạng nhưng chỉ đề cập đến chương trình đào tạo lái xe trực tiếp đối với các hạng B1, B2, C; còn đối với hạng D, E, F thì phải học nâng hạng từ các hạng bằng lái xe ô tô thấp hơn.

Như vậy, nếu chưa có bằng lái xe ô tô thì không thể thi bằng lái hạng E, người lái xe chỉ có thể thi nâng hạng từ hạng C, D lên hạng E.

Điều kiện thi bằng lái xe hạng E

Theo quy định tại Điểm đ khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008; Khoản 1, 2, 4 Điều 7 Thông tư 12/2017 (được bổ sung bởi Thông tư 38/2019), người đủ điều kiện thi bằng lái xe hạng E đạt những yêu cầu như sau:

Là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam.

Đủ tuổi 27 tuổi (tính đến ngày dự sát hạch lái xe).

Về trình độ văn hóa: Có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên.

Về thời gian hành nghề: Từ hạng D lên E: thời gian hành nghề từ 3 năm trở lên và 50.000 km lái xe an toàn trở lên.

Từ hạng C lên E: thời gian hành nghề từ 5 năm trở lên và 100.000 km lái xe an toàn trở lên.

Trường hợp người học nâng hạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ với hình thức tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, thời gian lái xe an toàn được tính từ ngày chấp hành xong các quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Đồng thời, người này không mắc các bệnh thuộc nhóm 3 Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT (Điều 3).

Nếu chưa có bằng lái xe ô tô thì người dân không thể thi bằng lái hạng E. Ảnh: TN

Nếu chưa có bằng lái xe ô tô thì người dân không thể thi bằng lái hạng E. Ảnh: TN

Thi bằng lái xe hạng E gồm những phần thi nào?

Theo Phụ lục 35 ban hành kèm theo Thông tư 05/2024 của Bộ GTVT, thi bằng lái xe hạng E gồm 4 phần thi.

Trong đó, phần thi lý thuyết bằng lái xe hạng E gồm 45 câu. Mỗi câu hỏi được tính 1 điểm và mỗi đề thi có 1 câu hỏi nếu lựa chọn đáp án sai được tính là điểm liệt; mỗi câu có từ 2 đến 4 ý trả lời, thí sinh đọc đề bài và lựa chọn ra đáp án đúng nhất. Trường hợp bị điểm liệt trong bài thi thì không đạt nội dung sát hạch Lý thuyết.

Thi mô phỏng: Đề thi được thiết kế dưới dạng 10 câu hỏi mô phỏng các tình huống giao thông; mỗi câu hỏi trong đề sát hạch mô phỏng các tình huống giao thông chứa 1 tình huống tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Mỗi câu hỏi có số điểm tối đa là 5 điểm và số điểm tối thiểu là 0 điểm.

Số điểm đạt được của học viên tương ứng với thời điểm học viên nhận biết và xác định tình huống tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông thông qua việc tương tác với máy tính có cài đặt phần mềm sát hạch mô phỏng. Điểm tối đa khi học viên nhận biết và tương tác với máy tính đúng thời điểm xuất hiện tình huống mất an toàn giao thông; điểm tối thiểu khi học viên nhận biết và tương tác với máy tính trước khi xuất hiện tình huống mất an toàn giao thông hoặc không tương tác hoặc tương tác từ thời điểm xảy ra tình huống mất an toàn giao thông.

Các tình huống mô phỏng được chạy liên tiếp tự động, thí sinh không được lựa chọn lại đáp án cho các câu hỏi đã trả lời hoặc chưa trả lời. Khi hoàn thành bài sát hạch mô phỏng hoặc hết thời gian của câu hỏi cuối cùng, toàn bộ các câu trả lời của thí sinh (kể cả các câu hỏi chưa trả lời hết) được máy tự động chấm điểm, in ra và lưu trữ tại máy chủ.

Thi sa hình, thí sinh dự sát hạch lái xe hạng E thực hiện liên hoàn 10 bài sát hạch lái xe trong hình gồm: Xuất phát; Dừng xe nhường đường cho người đi bộ; Dừng và khởi hành xe ngang dốc; Qua vệt bánh xe và đường vòng vuông góc; Qua ngã tư có tín hiệu điều khiển giao thông; Qua đường vòng quanh co; Ghép xe vào nơi đỗ (ghép dọc đối với hạng C và ghép ngang đối với hạng D và E); Tạm dừng ở chỗ có đường sắt chạy qua; Thay đổi số trên đường bằng; Kết thúc.

Thí sinh thực hiện tối thiểu 4 bài sát hạch lái xe trên đường, gồm: Xuất phát; Tăng số, tăng tốc độ; Giảm số, giảm tốc độ; Kết thúc.

Trên quãng đường sát hạch, bài sát hạch "tăng số, tăng tốc độ", "giảm số, giảm tốc độ" có thể thực hiện nhiều lần, không theo thứ tự.