Chính phủ Indonesia sẽ cung cấp khoản trợ cấp tối đa lên tới 80 triệu rupiah (120 triệu đồng) cho những người mua xe ô tô điện, CNN đưa tin ngày 16/12/2022.
Điều này được tiết lộ bởi Bộ trưởng công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita, người nói thêm rằng các khoản trợ cấp cũng sẽ được cung cấp cho các phương tiện điện khí hóa khác.
Đối với xe hybrid, khoản trợ cấp sẽ lên tới 40 triệu rupiah (60 triệu đồng), trong khi đó là 8 triệu rupiah (12 triệu đồng) đối với xe máy điện.
Chính phủ Indonesia cũng sẽ chi trả khoản trợ cấp tới 5 triệu rupiah (7,5 triệu đồng) để chuyển đổi một chiếc xe máy động cơ đốt trong thành xe máy điện.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (bên phải) tại lễ ra mắt chiếc ô tô điện đầu tiên lắp ráp tại Indonesia ngày 16/3/2022. Ảnh: Laily Rachev
Những khoản trợ cấp này nhằm mục đích thúc đẩy việc sử dụng các phương tiện điện hóa trong nước, gián tiếp thu hút các nhà sản xuất ô tô xe máy chuyển sang sản xuất loại phương tiện không phát thải.
Theo CNN, Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu có ít nhất 1,2 triệu xe máy điện và 35.000 xe ô tô điện được sử dụng trên đường vào cuối năm 2024.
Có một nhược điểm, đó là những khoản trợ cấp này chỉ áp dụng cho xe điện (ô tô và xe máy) và xe hybrid được lắp ráp trong nước (CKD) tại Indonesia.
Điều này nhắm mục đích khuyến khích sản xuất xe điện trong nước, khi mà một số công ty ô tô đang muốn nắm bắt lấy cơ hội.
Bộ trưởng Agus Gumiwang cho biết Bộ của ông sẽ thảo luận với Bộ Tài chính về việc liệu các loại xe điện nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) có đủ điều kiện nhận trợ cấp hay không.
Tuy nhiên, ông không nói tổng số tiền chính phủ sẽ phải dành ra để hỗ trợ chính sách này.
Cách tiếp cận của Indonesia trong việc thúc đẩy việc áp dụng xe điện không khác với những gì đang diễn ra ở Thái Lan, nơi các khoản trợ cấp từ 70.000 đến 150.000 baht (47 triệu đến 101 triệu đồng) được tài trợ cho cả xe điện CBU và CKD - cả hai quốc gia trên cũng thực hiện miễn giảm thuế.
Malaysia không trợ cấp trực tiếp đến tay người mua xe điện, nhưng xe điện nhập CBU hiện được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu cho đến ngày 31/12/2024.
Trong khi đó, xe điện lắp ráp CKD được Malaysia miễn thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bán hàng, trong khi linh kiện cho xe điện lắp ráp trong nước được miễn thuế nhập khẩu cho đến ngày 31/12/2025.
Giá trị quy đổi các ưu đãi này ở Malaysia, tối đa vào khoảng 25.900 RM/xe (tương đương 138 triệu đồng), không phân biệt xe nhập CBU hay lắp ráp CKD.
Xe điện lắp ráp tại Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế TTĐB 5 năm và miễn lệ phí trước bạ. Ảnh: Lam Anh
Tại Việt Nam, xe điện sản xuất trong nước được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt 12% giá bán (giảm từ 15% xuống 3%, áp dụng đến 28/02/2027) và miễn khoản phí trước bạ, tương đương giảm số tiền để xe lăn bánh từ 10% đến 12% giá trị niêm yết của xe.
Nếu quy đổi ra tiền, giá trị ưu đãi bằng thuế - phí với xe điện tại Việt Nam hiện hấp dẫn nhất Đông Nam Á, có thể lên đến 8.000 USD (tương đương 200 triệu đồng) với một chiếc xe có giá niêm yết 42.000 USD.
Như vậy, trong số 4 thị trường ô tô xe máy điện lớn nhất ASEAN, cách hỗ trợ của Indonesia và Thái Lan giống nhau, là tài trợ cho người mua cuối cùng bằng tiền chính phủ.
Còn Malaysia và Việt Nam dùng ưu đãi thuế và phí để kích thích tiêu dùng xe điện, thông qua việc giảm thuế cho nhà sản xuất và giảm chi phí lăn bánh cho người mua cuối cùng.