Hạ giá hàng hoá theo “tiến độ” giảm giá xăng, dầu
Sau kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước mới đây, giá xăng E5 RON 92 hiện ở mức 23.720 đồng/lít và xăng RON 95 ở mức 24.660 đồng/lít. Ngược lại, các mặt hàng dầu đồng loạt tăng như dầu diesel là 23.750 đồng một lít, tăng 850 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 24.050 đồng, tăng 730 đồng, dầu mazut giữ nguyên mức giá so với điều chỉnh kỳ trước, có giá 16.540 đồng/kg.
Nếu xét riêng một số ngành như vận tải, khai thác thủy hải sản, thì chi phí xăng dầu chiếm rất cao tới 30 - 40%. Ảnh: Quốc Tuấn
Câu chuyện giá xăng dầu vẫn là chủ đề nóng thời gian gần đây vì có sức ảnh hưởng lớn tới các hoạt động trong nền kinh tế. PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính phân tích, xăng dầu là nguồn vật tư, nguyên liệu chủ yếu của sản xuất và có tác động rất lớn đến mức độ tăng trưởng. Với các quốc gia khác như Mỹ hay liên minh châu Âu, ảnh hưởng của nó khoảng 7-8%, còn đối với Việt Nam sẽ từ 2-3,5%.
Tuy nhiên đó là xét tổng thể, nếu xét riêng một số ngành như vận tải, khai thác thủy hải sản, thì chi phí xăng dầu chiếm rất cao tới 30 - 40%. Giá xăng dầu tăng đưa chi phí của các ngành này tăng cao, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh và gây hại cho nền kinh tế.
Đối với các hộ gia đình cũng chịu tác động không nhỏ, thông thường chi phí xăng dầu ở Việt Nam chiếm khoảng 1,5% tổng chi phí của một hộ gia đình. Điều quan trọng hơn là các hàng hóa khác trong nền kinh tế lên giá theo, thậm chí có một số người “té nước theo mưa” tăng giá cao hơn nhiều lần so với mức độ tăng giá xăng dầu mang lại. Từ đó, dẫn đến lạm pháp tâm lý, mà giá xăng dầu tăng 10% thì lạm phát tăng 0,34% đồng thời nền sản xuất bị mất đi 0,5% tốc độ tăng trưởng.
“Vấn đề lớn trong giá xăng dầu hiện nay là sự phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới. Mặc dù chúng ta kỳ vọng việc sản xuất được xăng dầu trong nước sẽ làm giảm giá thành, nhưng về mặt kỹ thuật, hầu hết dầu thô Việt Nam dùng để chế biến thì phải nhập về, còn dầu thô khai thác được lại không thể chế biến.
Trong khi đó, việc giảm các thuế suất với xăng dầu không thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương mà thuộc thẩm quyền Quốc hội và đã là luật thì phải do Quốc hội thông qua, như thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt,... Chúng tôi cho rằng, việc giảm thuế để giảm giá xăng dầu cần phải xem xét một cách tổng thể từ liên Bộ Tài chính - Công Thương và có kế hoạch dài hạn. Với bối cảnh hiện nay, giá xăng dầu giảm bao nhiêu cũng là đáng quý”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nói.
Ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) nhìn nhận, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng chỉ kéo dài đến hết năm 2022, trong khi giá thế giới luôn biến động khó lường và có tác động sâu rộng. Vì vậy để ghìm cương xăng, cần giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT.
Vị Phó Chủ tịch Hiệp hội cũng lý giải, nếu chỉ giảm thuế nhập khẩu MFN thì không có tác động đến việc giảm giá xăng dầu trong nước. Bởi mặt hàng xăng được nhập khẩu chủ yếu từ Singapore, Malaysia, Thái Lan hay Hàn Quốc, Trung Quốc. Đây là những thị trường Việt Nam có thể tận dụng ưu đãi thuế nhập khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã ký, với ngưỡng thuế suất nhập khẩu xăng là 8%. “Doanh nghiệp trong nước vẫn đang nhập khẩu từ các thị trường có mức thuế 8% và sẽ chẳng có một thương nhân đầu mối nào lại chuyển sang mua với mức 10% cả".
>> Đã đến lúc “khai tử” Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Lực cản từ Quỹ bình ổn giá
Theo một vị chuyên gia kinh tế bình luận, ngoài giá xăng thì Chính phủ nên xem xét giảm mạnh giá dầu, đặc biệt là dầu Diesel. Bởi giảm giá dầu mới có nhiều tác dụng trong việc kiểm soát giá. Gần 80% nhiên liệu sử dụng trong nước là dầu hơn là xăng.
Nhiều quan điểm cho rằng nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, vì tác động của quỹ này không làm giảm giá xăng (ảnh minh hoạ)
“Giá dầu gây tác động trực tiếp lên chi phí vận chuyển bởi hầu hết các phương tiện vận tải hàng hóa đều sử dụng dầu hơn là sử dụng xăng từ xe tải, tàu hỏa cho đến tàu biển. Trong khi đó, xăng được sử dụng trong lưu thông phương tiện cá nhân như xe máy, xe hơi là chủ yếu. Vì vậy, nói giảm giá xăng thì giá hàng hóa phải giảm có vẻ chưa phù hợp. Chính phủ đang làm rất tốt và mong Chính phủ sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa, đó là giảm giá dầu mạnh hơn nữa”, vị chuyên gia cho biết.
Đáng chú ý, trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu lần này, cơ quan quản lý không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá và tiếp tục trích lập vào quỹ bình ổn với xăng E5 RON 92 là 451 đồng; xăng RON 95 là 493 đồng; 250 đồng với dầu diesel; 400 đồng với dầu hỏa và dầu mazut là 641 đồng một kg.
Như vậy, cứ mỗi lần giá xăng dầu được điều chỉnh giảm theo đà giảm của giá thế giới, thì liên bộ lại trích Quỹ bình ổn giá cũng ở mức cao không kém. Không ít ý kiến cho rằng, nếu tính một cách sòng phẳng, theo đà giảm của thế giới, mức giảm thuế bảo vệ môi trường và không trích Quỹ bình ổn giá, đến nay, giá xăng đã về ngưỡng 20.000 đồng/lít thay vì ở mức hiện tại.
Trước đó, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại VN (VCCI), Bộ Tài chính và nhiều chuyên gia kinh tế đều đã đề xuất bỏ quy định về lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá để xăng dầu được hoạt động theo cơ chế thị trường. Mặt khác, khi bỏ Quỹ bình ổn giá, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối. Thực tế, Quỹ BOG chỉ có tác dụng khi giá xăng dầu lên xuống ở mức độ nhẹ.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS. TS. Phạm Thế Anh, Chuyên gia kinh tế đồng tình với quan điểm rằng nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, vì tác động của quỹ này không làm giảm giá xăng.
“Quỹ bình ổn giá xăng dầu phải thể hiện đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nó là làm cho giá xăng ổn định quanh một mức trung bình nào đó, không bị tăng quá sốc hoặc không giảm quá mạnh. Nếu làm tốt sẽ không gây ra cú sốc cho nền kinh tế mỗi khi thị trường có biến động lớn, còn về mặt dài hạn là không làm giảm chi phí xăng dầu cho người tiêu dùng. Vì vậy, việc bỏ hay không bỏ quỹ bình ổn phải dựa trên mục tiêu của quỹ và xem cách thức vận hành tốt không.
“Theo đánh giá của tôi trong giai đoạn vừa qua, quỹ này chưa thực hiện tốt việc ổn định giá xăng, trong khi điều đó phụ thuộc nhiều vào dự báo giá xăng dầu thế giới. Số tiền trích lập Quỹ bình ổn giá gián tiếp qua doanh nghiệp xăng dầu, đối tượng cuối cùng phải “cõng” vẫn là người tiêu dùng. Điều này không khác gì điều hành xăng dầu theo kiểu tay phải thả ra, tay trái thu lại”, vị chuyên gia phân tích.