Cấm tuyệt đối nồng độ cồn: Nhiều ý kiến không đồng tình cũng có người ủng hộ

Nhiều ý kiến trái chiều về việc cấm nồng độ cồn tuyệt đối đối với tài xế. 

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ bảy diễn ra vào tháng 5 tới. Trong đó, vấn đề nhiều người đang quan tâm là có nên quy định cấm tuyệt đối người lái xe sử dụng rượu bia hay cần đưa ra một ngưỡng nhất định.

Để có góc nhìn đa chiều, PLO tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia và người dân về vấn đề này.

Anh Ngô Sơn (một tài xế chuyên chở thực phẩm cho các khu công nghiệp ở TP.HCM) cho rằng chỉ nên xử phạt nồng độ cồn theo quy định từ trước đến nay (80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở mới bị xử phạt) là phù hợp nhất. Việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn chưa chắc đã tác động được đến sự an toàn khi tham gia giao thông mà chủ yếu là ở ý thức của người điều khiển phương tiện.

Cấm tuyệt đối nồng độ cồn: Nhiều ý kiến không đồng tình cũng có người ủng hộ - 1

Nhiều ý kiến trái chiều đối với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn. Ảnh: TN

“Ra đường chúng tôi phải nhìn trước ngó sau nhiều hơn, nhiều người lái xe theo dạng “hổ báo” lắm, cái này nó đâu phải do uống rượu bia gây nên. Chúng tôi là tài xế cũng phải ăn kiêng vì quy định nghiêm ngặt về nồng độ cồn thời gian gần đây, ví dụ như món gì hấp bia chúng tôi cũng không dám ăn”- anh Sơn cho hay.

Theo anh Sơn, giờ nghiêm ngặt về nồng độ cồn quá cũng sẽ ảnh hưởng đến mức tiêu thụ rượu bia, chắc đến khi các nhà máy sản xuất rượu, bia rời khỏi Việt Nam thì khi đó mới ra luật mới. “Chúng tôi có ý thức của nghề tài xế, chúng tôi chạy mỗi ngày để kiếm cơm và chạy có ý thức chứ nếu bị “giam” bằng lái là “đói” luôn”- anh Sơn nói thêm.

Anh Huỳnh Minh Châu, Phó Giám đốc Đại lý Hyundai Đông Sài Gòn chia sẻ: “Về vấn đề này cũng nhiều ý kiến, ai nói cũng có lý của họ. Nhưng quan điểm cá nhân của tôi là đã làm tới đây rồi thì thôi cấm tuyệt đối luôn”.

Anh Châu cho rằng giờ đưa ra mức nào mới phạt thì lại khó, người uống làm sao biết canh, dẫn đến tranh cãi. Ví dụ người uống nói tôi chỉ uống 1 ly, sao lại vi phạm mức đó, nên thà cấm luôn, cho người lái xe biết đã uống rượu bia thì không lái xe. Nếu lỡ uống thì nhờ người khác chở hoặc đi xe dịch vụ, công nghệ, taxi,...

“Lỡ có “trớn”, người dân cũng đang sợ thì xử mạnh luôn. Từ ngày CSGT đo nồng độ cồn nghiêm ngặt, tôi cũng không còn bị ép uống rượu bia vì lý do tôi lái xe là được. Dù biết là nồng độ cồn chỉ một phần gây ra tai nạn giao thông thôi, nhưng cấm người uống rượu bia điều khiển xe là tốt”- anh Châu nói thêm.

Cấm tuyệt đối nồng độ cồn: Nhiều ý kiến không đồng tình cũng có người ủng hộ - 2

Cũng nhiều người đồng ý quan điểm cấm tuyệt đối tài xế lái xe sử dụng nồng độ cồn. Ảnh: TN

Ông Chu Phát Đạt, Giám đốc nền tảng cho thuê xe tự lái Ibookcar lại bày tỏ quan điểm việc quyết định cấm này cũng là muốn tốt đối với an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn…nhưng cần xem xét lại với hàm lượng bao nhiêu con người mới không làm chủ được hành vi tức điều khiển phương tiện để tham gia giao thông”.

“Vì đâu phải có nồng độ cồn là mất khả năng tham gia giao thông, có nồng độ cồn là gây tai nạn giao thông đúng không, tôi thấy chủ yếu là ý thức, đạo đức của tài xế khi tham gia thông thôi. Cấm là tốt nhưng nó sẽ ảnh hưởng kéo theo đến rất nhiều ngành nghề chậm phát triển lại, ảnh hưởng đến kinh tế”- ông Đạt nói.

Theo ông Đạt thì cần có công trình nghiên cứu xem ở ngưỡng nồng độ nào thì con người mất khả năng, không làm chủ. Vì hiện nay có nhiều trường hợp ăn vải hay uống nước ngọt có ga, ăn đồ lên men là có nồng độ thì sẽ xử lý trường hợp đó ra sao.