Dữ liệu thông tin phương tiện là chìa khóa quan trọng giúp quản lý thị trường ô tô cũ, giảm thiểu rủi ro cho khách hàng
Trước sự bát nháo, lộn xộn diễn ra trên thị trường ô tô cũ như: Giấu lịch sử tai nạn, định giá bất hợp lý hay tình trạng tua công-tơ-mét (Báo Giao thông đã có bài phản ánh)… liệu có cách nào giúp thị trường này minh bạch hơn để đảm bảo quyền lợi người mua xe?
Dữ liệu thông tin - “chìa khóa” vạn năng?
Anh Phạm Luân, một chuyên gia ô tô đang sinh sống tại Mỹ cho biết, cũng giống như Việt Nam, tại Mỹ, việc mua ô tô cũ khá phức tạp. Tuy đã có hệ thống kiểm tra lịch sử của xe nhưng nếu chủ xe mang đi sửa tại những gara “chui”, không được cấp phép kinh doanh thì cũng không thể kiểm tra được hết và chính xác lịch sử xe.
Nhưng theo anh Luân, tại Mỹ có các website để kiểm tra lịch sử của xe như Carfax, Autocheck mà người dùng phải trả phí khoảng 39 USD để lấy được thông tin của chiếc xe muốn mua.
Những thông tin trên các trang web này được các đại lý bảo hiểm và các trung tâm dịch vụ sửa chữa (bao gồm cả trung tâm dịch vụ chính hãng và ngoài hãng nhưng được cấp phép kinh doanh) cập nhật thường xuyên. Đây là quy định bắt buộc và nếu không tìm được bất kỳ thông tin nào của chiếc xe mà khách hàng muốn mua trên những trang web này, tức là không nên giao dịch mua bán xe.
Anh Luân chia sẻ thêm: “Tại Việt Nam chưa có các trang web này. Thậm chí, một số hãng bảo hiểm, nhân viên bảo hiểm còn “lèo lái” các chủ xe đưa xe bị tai nạn ra các gara ngoài để sửa nhằm không bị lưu lại thông tin như khi sửa tại các đại lý chính hãng nhưng thực chất để giảm chi phí sửa chữa theo hướng có lợi cho bảo hiểm”.
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, khi mua ô tô cũ, khách hàng không nên nhìn qua nước sơn và tự tin vào hiểu biết của mình vì kỹ thuật xe hơi rất phức tạp, cần đưa xe vào gara chính hãng để kiểm tra. Vì trong hệ thống sửa chữa chính hãng có lưu lại số máy xe đã từng sửa chữa những gì.
Trường hợp, chủ xe không đưa xe đến gara chính hãng sửa khi xe bị tai nạn, thủy kích, tuy không kiểm tra được chính xác lịch sử sửa chữa của xe nhưng kỹ thuật viên tại gara chính hãng bằng kinh nghiệm và “cặp mắt chuyên nghiệp” có thể sẽ phát hiện được những lỗi sửa “bậy” bên ngoài”, ông Đồng cho biết.
Theo ông Đồng, người mua cũng cần thỏa thuận trước, nếu đưa xe vào gara chính hãng kiểm tra phát hiện ra lỗi tai nạn hoặc không như những gì chủ cũ nói thì chi phí kiểm tra người bán phải chi trả.
Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, cơ quan quản lý ở nước ngoài có hệ thống dữ liệu chung, có tất cả các thông tin về bảo hiểm, tai nạn giao thông, vi phạm trật tự ATGT… Nếu doanh nghiệp cần có thể tiếp cận để dùng và bán lại cho người dân dưới dạng dịch vụ. Tất cả người dùng nếu muốn đều có thể kiểm tra được thông tin liên quan đến đăng kiểm, bảo hiểm, vi phạm… Một người có cố gắng nói dối cũng rất khó.
Giải pháp nào?
Theo ông Trần Hữu Minh, thị trường xe cũ hiện nay rất lớn, nếu được quản lý tốt sẽ đảm bảo được việc minh bạch trong mua bán, giá thành phù hợp với nhiều người dân, tiết kiệm chi phí xã hội.
Luật GTĐB sửa đổi đang được bàn thảo cũng đề cập đến việc chia sẻ dữ liệu phương tiện và đưa vào những mô hình hành lang pháp lý để quản lý. Đây là nền tảng rất quan trọng để tiến tới xây dựng các hệ thống dữ liệu chuyên ngành, trong đó có liên quan đến dữ liệu của ô tô cũ. Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia |
Tuy nhiên, các quy định liên quan đến trách nhiệm của các bên có liên quan nếu can thiệp vào an toàn kỹ thuật phương tiện, thay đổi thông tin thông số, cấu tạo phụ tùng phương tiện hiện chưa rõ ràng. Bởi vậy tuy pháp luật đã cấm nhưng lại chưa được cụ thể hóa để quản lý chặt hơn.
“Tại các nước phát triển, nếu như đưa chiếc xe ô tô ra mà yêu cầu xưởng sửa chữa bảo dưỡng theo ý mình mà không đảm bảo an toàn thì người ta không làm. Bởi nếu làm thì trách nhiệm rất lớn, thậm chí là đóng cửa xưởng bảo dưỡng sửa chữa, những người liên quan có thể bị truy tố hoặc phạt tiền, cấm hành nghề vĩnh viễn. Chẳng hạn việc tua công-tơ-mét là sai. Nếu quy định pháp luật cấm điều đó, thanh tra kiểm tra, quản lý chặt, xử phạt nghiêm minh thì sẽ không còn vi phạm”, ông Minh chia sẻ.
Về tình trạng người bán cung cấp thông tin không chính xác cho người mua, theo ông Minh, trách nhiệm này lại thuộc về cơ quan quản lý bởi chưa cung cấp đầy đủ thông tin và người bán phải chịu rủi ro rất lớn.
Liên quan đến vấn đề đảm bảo chất lượng phương tiện, ông Minh cho biết, một trong các giải pháp được chứng minh là làm sao hình thành hệ dữ liệu phương tiện và chia sẻ phân quyền sao cho phù hợp.
Chất lượng phương tiện như phương tiện vào đăng kiểm sẽ lưu trữ những thông tin cần thiết, đặc biệt thông tin về công-tơ-mét. Khi được lưu trữ rồi có thể chia sẻ cho một số doanh nghiệp bảo hiểm, cơ quan quản lý và thậm chí một số doanh nghiệp làm dịch vụ có thể mua dữ liệu đó và người dân có nhu cầu có thể trả phí để có được thông tin kiểm tra phương tiện trước khi quyết định mua.
“Hiện nay việc kiểm soát chất lượng ô tô cũ trên thị trường đang dồn hết trách nhiệm lên người đi mua. Nếu có kiến thức, thông tin, quan hệ… thì may mới mua được chiếc xe cũ tốt. Điều này là không đúng trong khi có rất nhiều cơ quan có thể điều tiết trách nhiệm của 2 bên như: Trách nhiệm của người bán, tính minh bạch thông tin cung cấp với khách hàng, sai thì xử lý như thế nào? Những vấn đề như vậy thì cơ quan quản lý phải vào cuộc để làm sao người dân đã có tiền, đi mua chiếc xe không phải rước cục nợ vào người”, ông Minh nhấn mạnh.
Nguồn: https://xe.baogiaothong.vn/cach-nao-giup-nguoi-mua-o-to-cu-khong-bi-lua-d480439.htmlNguồn: https://xe.baogiaothong.vn/cach-nao-giup-nguoi-mua-o-to-cu-khong-bi-lua-d480439.html