Bức xúc với đèn nhận diện ban ngày trên xe máy vì dùng sai cách

Nhiều chủ xe chưa biết cách sử dụng đèn nhận diện ban ngày trang bị trên xe máy nên cho rằng bất tiện, khó chịu khi tham gia giao thông.

Đèn nhận diện ban ngày kiểu AHO trên Honda Vision 2021

Đèn nhận diện ban ngày không gây chói mắt

Do chưa quen với kiểu đèn sáng ban ngày nên nhiều chủ xe cảm thấy bất tiện, thậm chí còn có ý định tháo gỡ công tắc đèn chiếu sáng.

Chị Thanh Thuý (Hà Đông, Hà Nội) đang sử dụng chiếc Honda Vision đời 2021 tâm sự: "Do xe được thiết kế tự động chiếu sáng đèn sau khi khởi động khởi động xe nên khi đi đường thường hay bị mọi người nhắc tắt đèn vì cho rằng mình quên. Hơn nữa khi đi xe bật đèn ban ngày mình chỉ sợ chói mắt các xe đi ngược chiều và tốn điện ắc quy xe. Vì thế nhiều lần tôi có ý định mang xe đi chế thêm công tắc bật/tắt đèn pha cho xe".

Trao đổi với PV Xe Giao thông về vấn đề này, ông Lê Văn Vệ, Trưởng khối Khối Đối ngoại, Công ty Honda Việt Nam cho biết, theo quy định kỹ thuật quốc tế, đèn nhận diện ban ngày có 2 loại.

Loại thứ nhất có tên AHO (đèn chiếu sáng phía trước tự động). Về kỹ thuật, loại đèn AHO có 2 vùng chiếu sáng là chiếu xa và chiếu gần.

Nếu nguồn sáng sử dụng cho AHO là đèn LED – loại đèn có thể chia vùng được, nhà sản xuất sẽ chia vùng theo mục đích chiếu như: nếu chiếu xa sẽ có 3 vùng sáng, chiếu gần 2 vùng sáng và vẫn trên cùng 1 đèn.

Nếu nguồn sáng sử dụng cho AHO là đèn halogen sẽ không bố trí được vùng sáng như trên, mà trong cùng 1 bóng đèn có 2 dây tóc, 1 dây tóc sử dụng cho chiếu xa và 1 dây tóc sử dụng cho chiếu gần.

Như vậy, khi chủ xe sử dụng các mẫu xe được trang bị loại đèn AHO như: Honda Vision và Honda Wave Alpha... thì không nên chuyển sang chế độ đèn chiếu xa mà để ở chế độ mặc định là đèn chiếu gần. Khi đó đèn chiếu gần chính là đèn nhận diện ban ngày.

Loại đèn nhận diện ban ngày thứ hai là đèn daytime running light (đèn xe chạy ban ngày DRL), có thể nằm ở cụm đèn chiếu sáng phía trước, hoặc nằm ở vị trí tách biệt và thấp hơn vị trí đèn pha chiếu sáng phía trước giống như các loại đèn DRL của các mẫu ô tô, với mục đích giúp người đi bộ, xe ngược chiều dễ phát hiện xe mô tô, xe gắn máy đang chạy từ xa đến. Do đó, sẽ hạn chế gây chói mắt.

Hiện nay, một số mẫu xe của Yamaha và Honda tại Việt Nam cũng đã lắp đặt loại đèn DRL này như Yamaha Grande, Honda LEAD, Honda SH.

Một số mẫu xe khác như Honda Wave Alpha và Honda Vision mới lại đang sử dụng loại đèn AHO.

Cả 2 loại đèn này chỉ cần khởi động xe là sáng.

Bức xúc với đèn nhận diện ban ngày trên xe máy vì dùng sai cách - 3

Đèn nhận diện ban ngày DRL trên Yamaha Grande được lắp tách rời đèn chiếu sáng phía trước

Tuy nhiên, theo ông Vệ, việc lựa chọn trang bị đèn nhận diện loại nào còn tuỳ thuộc vào dòng xe và đời xe, do ảnh hưởng đến giá thành xe. Bởi chi phí sản xuất đèn DRL thường cao hơn AHO do phải phát triển hệ thống điện và bóng tách rời nên giá xe thường cao hơn, thích hợp với những mẫu xe cao cấp hơn.

Còn các dòng xe phổ thông, bình dân như Honda Wave Alpha hay Honda Vision việc lắp đèn DRL sẽ đẩy giá cao hơn vài triệu sẽ gây khó khăn cho người mua xe.

“Đèn DRL nhỏ có tác dụng nhận diện không cao khi đi ban ngày và thích hợp với điều kiện khi di chuyển xe lúc chập tối, trong khi đèn AHO có khả năng nhận diện cao hơn khi trời nắng, nhưng chủ xe cần lưu ý đưa công tắc đèn về chiếu gần, khi đó, đèn hướng xuống dưới sẽ có khả năng nhận diện và không gây chói mắt.”, ông Vệ nói.

Đèn chiếu sáng ban ngày giúp giảm tai nạn giao thông

TS. Vũ Anh Tuấn, Đại học Việt Đức (TP.HCM) cho biết, việc các nhà sản xuất đang tự nguyện tích hợp các tính năng an toàn tốt nhất cho xe máy như đèn nhận diện ban ngày là điều nên làm và cần ủng hộ.

Tuy nhiên, người sử dụng cần lưu ý, đèn nhận diện ban ngày khá nhẹ, có tác dụng nhận diện phương tiện đối với người đi bộ, các phương tiện đi ngược chiều, khi sử dụng, không nên gạt sang đèn pha chỉ để chiếu sáng ban đêm, ánh sáng mạnh có thể gây chói mắt, khó chịu.

Theo quy định số 53 của liên hợp quốc: "Đèn nhận diện ban ngày là đèn được lắp phía trước của phương tiện để giúp phương tiện được dễ dàng nhận ra khi lái xe vào ban ngày. Đèn nhận diện ban ngày có thể bao gồm đèn chiếu sáng phía trước tự động bật khi động cơ hoạt động (AHO) hoặc đèn chạy ban ngày (DRL)". Đèn AHO là đèn chiếu sáng phía trước, luôn sáng khi động cơ hoạt động. Đặc tính kỹ thuật của đèn AHO hoàn toàn tương đồng với đèn chiếu sáng phía trước thông thường. Còn theo quy định số 53 và 87 của liên hợp quốc, đèn DRL là một loại đèn được lắp phía trước của xe, giúp xe dễ dàng được nhận ra trong điều kiện ban ngày. Cũng theo quy định số 87 của Liên hợp quốc, cường độ sáng của đèn này phải nhỏ hơn đèn chiếu sáng phía trước và nằm trong giới hạn 400 - 1200 cd. Đèn DRL được bật sáng khi động cơ hoạt động và tự động tắt khi đèn chiếu sáng phía trước mở.

Trong dự thảo Luật GTĐB sửa đổi cũng đưa vào quy định các phương tiện xe máy, mô tô cần có đèn luôn sáng nhằm tăng cường khả năng nhận diện của người lái xe đối với xe máy, giúp giảm thiểu TNGT. Tuy nhiên, bước đầu sẽ chỉ áp dụng cho các mẫu xe mới sản xuất.Việc đưa nội dung này vào dự thảo Luật GTĐB sửa đổi là có cơ sở. Cở sở pháp lý ở đây là tháng 8/2014, Việt Nam gia nhập Công ước GTĐB 1968 (Công ước Viên). Điều 32 Công ước này nêu rõ xe máy tham gia giao thông phải bật đèn chiếu sáng gần phía trước hoặc 1 đèn đỏ phía sau.

Luật pháp các quốc gia cũng cho phép sử dụng đèn nhận diện ban ngày. Ví dụ như Mỹ và châu Âu đã sử dụng cách đây 30 năm. Hay Malaysia cũng đã áp dụng từ năm 1992, Thái Lan năm 2005. Ấn Độ là thị trường xe máy lớn nhất cũng đã quy định sử dụng đèn nhận diện ban ngày vào năm 2017. Nhiều tài liệu tham khảo cũng chỉ ra việc áp dụng đèn nhận diện ban ngày giúp giảm 5% tai nạn giao thông, có nước giảm tới 30%.

Nguồn: https://xe.baogiaothong.vn/buc-xuc-voi-den-nhan-dien-ban-ngay-tren-xe-may-vi-dung-sai-c-d512962....Nguồn: https://xe.baogiaothong.vn/buc-xuc-voi-den-nhan-dien-ban-ngay-tren-xe-may-vi-dung-sai-c-d512962.html