Bộ Tài chính không đồng ý đề xuất giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô trong nước

Với lý do dịch COVID-19 đã được kiểm soát, Bộ Tài chính cho rằng, việc giảm mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chưa phù hợp
Ô tô lắp ráp

Vào đầu tháng 3/2023 trong bối cảnh sức mua ô tô đang sụt giảm, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), UBND các tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và kích cầu tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, trong đó có chính sách giảm 50% phí trước bạ.

Sau khi nghiên cứu, mới đây Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị đề xuất giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Cụ thể, Bộ Tài chính cho rằng: "Hiện dịch Covid-19 đã được kiểm soát, do đó việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ở thời điểm hiện nay là chưa phù hợp".

Trước đó, để góp phần hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã 2 lần xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước như đã áp dụng từ năm 2021, 2022.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng về vấn đề này và nêu lý do để không tiếp tục giảm phí trước bạ. Theo Bộ Tài chính, khi thực hiện giảm 50% phí trước bạ trong các năm 2021, 2022, chính sách của Chính phủ Việt Nam cũng có tác động hai mặt.

Việc điều chỉnh giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian qua về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, phân phối ô tô nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung…

Tuy nhiên, Bộ Tài chính chỉ rõ những mặt hạn chế của chính sách này, trong đó có vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến các cam kết quốc tế.

Hiện Việt Nam đã tham gia WTO, ký nhiều FTA song và da phương, trong đó cam kết thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia trong thương mại và đầu tư. Theo đó, hiện chính sách thuế, lệ phí, phí trong các văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng thống nhất giữ hàng hoá sản xuất trong nước và hàng hoá nhập khẩu.

Nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước các nước WTO có thể nhìn nhận việc này như một khoản trợ cấp Chính phủ và Việt Nam có thể nhận được yêu cầu giải thích từ một số quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.

Ngoài ra, theo Bộ Tài chính dẫn giải, khi xây dựng một số nghị định liên quan, Bộ Tư pháp cũng chỉ ra việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chỉ tạm thời, nhưng có thể bị coi là phân biệt đối xử về thuế giữa ô tô trong nước và ô tô nhập khẩu.

Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính rà soát các cam kết quốc tế, từ đó báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định. Bộ Tài chính cho biết, khi trình Chính phủ, Bộ chỉ coi đây là giải pháp hỗ trợ ngắn hạn dưới tác động của dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2023, Bộ này cũng đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ô tô trong nước như gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm tiền thuê đất, tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn…

Chính vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị trong bối cảnh hiện nay, chưa đặt vấn đề tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô, sản xuất, lắp ráp.