Vấp phải vật lạ trên đường, chủ Tesla vội gọi cứu hỏa nhưng vẫn bất lực nhìn xe hóa thành tro

Một chiếc Tesla Model 3 đã bất ngờ bốc cháy dữ dội sau khi bị một vật lạ trên đường bắn vào xe.

Mới đây, một chủ xe Tesla tại Mỹ đã gặp phải một tình huống rất éo le với chiếc xe của mình khi đang di chuyển. Theo đó, một người lái Tesla Model 3 trên cao tốc đã bất ngờ bị một vật lạ trên đường bắn vào xe. Không lâu sau đó, chiếc xe hiện cảnh báo nguy hiểm và yêu cầu tấp xe vào lề đường. Khi chủ xe ngửi thấy mùi khét thì liền gọi cho cứu hỏa và sau đó, chiếc xe đã bốc cháy.

Một chiếc Tesla Model 3 bốc cháy sau khi va phải một vật lạ trên đường.

Tương tự những vụ cháy của những chiếc xe điện khác, lính cứu hỏa dù đã có mặt tại hiện trường nhưng cũng rất vất vả trong việc khống chế ngọn lửa. Sau khi dập tắt được một lần, ngọn lửa lại tiếp tục bốc lên khiến lính cứu hỏa phải tiếp tục phun nước.

Dẫu vậy, sức nóng từ vụ cháy này cao tới nỗi khay pin của chiếc Tesla Model 3 đã bị nóng chảy, khiến các viên pin rời ra khỏi xe. Tuy nhiên, đây lại là một điều tốt, bởi pin được cho là bộ phận gây ra hỏa hoạn, khi pin tách rời ra khỏi xe thì có thể vận chuyển phần xác xe đi dễ dàng hơn, để lại bộ phận nguy hiểm riêng biệt để dễ xử lý.

Sức nóng khủng khiếp đã khiến khay pin tan chảy.

Sự việc này tương đối giống với những vụ cháy đã thường xảy ra với Tesla Model S. Khi mới ra mắt khoảng 10 năm trước, những vị chủ xe Tesla Model S đầu tiên đã phản ánh hiện tượng xe cháy sau khi va phải vật lạ trên đường. Theo tìm hiểu, những vật lạ này có thể là đá hoặc mảnh kim loại có đủ độ cứng để xuyên thủng lớp vỏ của pack pin và tác động mạnh đến những viên pin bên trong. 

Pin gặp tác động vật lý mạnh dễ dẫn tới hiện tượng thoát nhiệt (nguyên văn: Thermal Runaway). Hiện tượng này xảy ra khi pin rơi vào trạng thái mất kiểm soát và tự tăng nhiệt, dẫn đến cháy nổ với nhiệt độ rất cao. Bản chất của hiện tượng này liên quan đến phản ứng hóa học, nên các phương pháp dập lửa thông thường (ngăn không cho oxy tiếp xúc với nguồn cháy) không có tác dụng. Việc phun nước chỉ giúp ngăn lửa lây lan, không giúp dập lửa.

Tesla đã gia cố thêm các tấm kim loại để bảo vệ pack pin khỏi các vật lạ trên đường.

Sau khi Tesla vào cuộc điều tra thì hãng xe điện này đã lắp đặt thêm một miếng nhôm cong ở dưới gầm xe nhằm ngăn các vật cứng trên đường va vào pin. Bên cạnh đó, Tesla cũng lắp một thanh kim loại bằng titan để che cạnh pin - nơi dễ bị đá hoặc vật cứng văng vào khi di chuyển.

Trên thực tế, việc xe điện vấp phải vật cứng trên đường, tác động đến pin và bốc cháy không xảy ra chỉ riêng với Tesla. Đầu tháng 7 năm ngoái, một chiếc XPeng P7 tại Trung Quốc cũng đã bốc cháy sau khi chiếc xe bị một vật lạ trên đường văng phải. 

Chiếc Tesla Model 3 bị cháy rụi.

Kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu đã cho thấy rằng khả năng tự bốc cháy của xe điện thấp hơn xe sử dụng động cơ đốt trong rất nhiều, nhưng về cơ bản, chúng ta chưa tìm ra phương thức dập lửa hiệu quả. 

Một số nơi đã ngâm xe điện bị hỏng trong một thùng nước trong 24 giờ, một số nơi khác thì vùi xe trong cát. Những cách này cốt để lửa, nếu có, không lan ra và gây nguy hiểm tới môi trường xung quanh.