Trong khi Tesla giảm giá, các hãng xe điện Trung Quốc phải mua cả đội tàu vận tải biển để chở ô tô đi bán

Xuất khẩu xe hơi của Trung Quốc bùng nổ mạnh suốt 2 năm qua, trong khi Tesla thì lại gặp nhiều khó khăn.
Trong khi Tesla giảm giá, các hãng xe điện Trung Quốc phải mua cả đội tàu vận tải biển để chở ô tô đi bán - Ảnh 1.

Theo tờ Quartz (QZ), hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc là BYD đang mua hẳn một đội tàu biển và dự kiến mở hẳn mảng dịch vụ logistic hàng hải để phục vụ kinh doanh ô tô. Đây được coi là một tín hiệu trái ngược với Tesla khi hãng xe điện Mỹ đang phải giảm giá bán tại Trung Quốc do doanh số suy giảm trong tháng 12/2022.

Cụ thể, BYD đã mua ít nhất 6 tàu chở hàng cỡ lớn với sức chứa hàng nghìn xe hơi mỗi tàu. Trong 2 năm qua, đại dịch và sự đứt gãy chuỗi cung ứng đã gây ra tình trạng tắc nghẽn cũng như thiếu tàu chở hàng, buộc BYD phải “chơi lớn”.

Tờ QZ nhận định với động thái mua tàu trên, BYD nhiều khả năng không chỉ dùng để chở ô tô đi bán mà còn cung ứng dịch vụ logistic cho các hãng xe khác có cùng nhu cầu.

Trong khi Tesla giảm giá, các hãng xe điện Trung Quốc phải mua cả đội tàu vận tải biển để chở ô tô đi bán - Ảnh 2.

Tổng kim ngạch xuất khẩu ô tô của Trung Quốc theo quý (tỷ USD)

Tình cảnh trái ngược

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), Tesla đã phải giám giá 6-13% giá bán cho 2 dòng xe Model 3 và Model Y tại Trung Quốc, khiến dòng Model 3 hiện rẻ hơn đến 30% so với cùng sản phẩm chào bán tại Mỹ.

Trái với tình cảnh phải hạ giá, điều hiếm khi diễn ra ở Tesla, là câu chuyện chẳng đủ tàu chở hàng xuất khẩu của ngành ô tô Trung Quốc. Câu chuyện BYD lập hẳn một đội tàu chỉ là một trong nhiều trường hợp.

Tháng 7/2022, tập đoàn quốc doanh SAIAC Motor của Trung Quốc đã phải hợp tác với hãng tàu COSCO và Tập đoàn cảng biển quốc tế Thượng Hải (SIPG) để thành lập nên Công ty vận tải xe hơi GYCCT.

Tờ QZ cho biết với các doanh nghiệp ô tô Trung Quốc, việc mở rộng khả năng vận tải từ quê nhà là một bước đi trọng điểm trong chiến lược bành trướng ra thế giới, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu xe hơi của nước này bùng nổ mạnh suốt 2 năm qua.

Số liệu của Tổng cục hải quan Trung Quốc cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu ô tô của nước này trong quý III/2022 đạt 12,7 tỷ USD, cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Thế nhưng báo cáo của hãng dịch vụ vận tải hàng hải Claksons lại cho thấy trong cùng kỳ, tăng trưởng năng lực vận tải biển trên thế giới lại tụt hậu khá xa.

Hãng Changjiu Logistics thì cho biết trong số 750 doanh nghiệp vận tải biển trên thế giới thì Trung Quốc chỉ sở hữu 1 hãng có 10 tàu chở hàng đủ sức vận chuyển xa vượt Thái Bình Dương sang Mỹ.

Hậu quả là các nhà bán xe Trung Quốc gặp khó khăn để tìm cách đưa hàng ra thị trường nước ngoài, đặc biệt là Mỹ và Châu Âu.

“Với đà tăng trưởng xuất khẩu ô tô hiện nay thì việc tìm kiếm một con tàu chở hàng đi bán cũng gặp phải rất nhiều khó khăn”, hãng thông tấn nhà nước Xinhua đưa tin.

Đối với những công ty kiếm được doanh nghiệp chịu chở hàng thì cũng vấp phải mức giá quá cao vì lạm phát và thiếu nguồn cung, dẫn đến các tập đoàn lớn như BYD quyết định thành lập đội tàu cho riêng mình.

Trỗi dậy

Dù không đưa ra tuyên bố công khai nào nhưng công ty con BYD Auto Industry đã mở rộng đăng ký kinh doanh sang vận tải biển, chở hàng, dịch vụ vận tải hàng hải quốc tế, bốc dỡ hàng hóa tại cảng...

Sự trỗi dậy của BYD đã khiến nhiều người phải bất ngờ bởi tập đoàn này ban đầu nổi tiếng nhờ sản xuất pin cho smartphone, thế rồi hãng bắt đầu lan sang các thiết bị điện tử khác và cuối cùng là xe điện. Mặc dù không đi tiên phong trong mảng xe điện ngay như Tesla nhưng việc phát triển hệ sinh thái quay xung quanh sản phẩm này của BYD được cho là đem lại hiệu quả khi không phải phụ thuộc vào các nhà cung ứng khác.

“BYD đã chuyên nghiệp hóa những công nghệ nền tảng nhất của ngành xe điện, như ắc quy hay hệ thống điện tử bên trong”, Chủ tịch Wang Chuanfu của BYD nói với tạp chí Forbes.

Trong khi Tesla giảm giá, các hãng xe điện Trung Quốc phải mua cả đội tàu vận tải biển để chở ô tô đi bán - Ảnh 3.

Hiện BYD đang tìm kiếm để mua các mỏ Lithium tại Châu Phi, đồng thời ký kết hợp đồng cung ứng Lithium dài hạn với Chile khi đây là nguyên liệu chủ chốt cho ắc quy xe điện.

Trên thực tế, tập đoàn này đã trở thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới về ắc quy xe điện, cung ứng sản phẩm cho cả những đối thủ như Tesla hay Toyota. Theo kế hoạch, BYD sẽ mở rộng sản lượng sản xuất ắc quy xe điện từ 285 GWH năm 2022 lên 445 GWH vào cuối năm nay.

“BYD có lẽ là tập đoàn phát triển hệ sinh thái dọc cho xe điện mạnh nhất thế giới. Chẳng có hãng nào trên toàn cầu chịu chơi đến mức mua cả một đội tàu để chở ô tô đi bán cả...Từ ví dụ ắc quy điện thì chúng ta có thể thấy chẳng sớm thì muộn BYD sẽ trở thành nhà cung ứng dịch vụ vận tải biển cho các hãng xe hơi đối thủ”, chuyên gia phân tích Lei Xing thường trú tại Mỹ nói trong chương trình “China EVs and More”.

*Nguồn: Quartz