Ngày 29/1, Toyota Motor Corporation (TMC) thông báo, ủy ban điều tra đặc biệt đã phát hiện dấu hiệu bất thường trong thử nghiệm công suất động cơ diesel mà hãng ủy quyền cho đơn vị con là Tập đoàn Công nghiệp Toyota (TICO) chế tạo.
Theo đó, ECU (bộ điều khiển điện tử của động cơ) được sử dụng trong quá trình thử nghiệm để cấp chứng nhận khác với bộ được sử dụng trong sản xuất hàng loạt. Điều này có thể làm cho các giá trị kết quả ít biến thiên hơn.
Mặc dù không gây ra sự cố trong quá trình hoạt động thực tế của xe, nhưng việc này vi phạm các quy trình giám sát nghiêm ngặt đã được đặt ra.
TMC cho biết, đã kiểm tra các sản phẩm sản xuất hàng loạt tại nhà máy TICO. Từ đó, hãng khẳng định các động cơ liên quan đều tuân thủ các tiêu chuẩn về hiệu suất đã được đề ra. Vì vậy, không cần phải ngừng sử dụng động cơ hoặc phương tiện nằm trong diện có ảnh hưởng.
Tuy nhiên, Toyota và TICO quyết định sẽ ngưng việc vận chuyển những động cơ bị ảnh hưởng để tiến hành điều tra rõ ràng và báo cáo với các nhà quản lý. Cụ thể:
Chủ tịch Toyota Koji Sato nói với các phóng viên ở Tokyo: "Chúng tôi chân thành xin lỗi tất cả các bên liên quan, bao gồm cả khách hàng và nhà cung cấp của chúng tôi. Chúng tôi sẽ nỗ lực để xây dựng lại công ty với ưu tiên hàng đầu là tuân thủ pháp luật".
Trước thông báo trên, Toyota Indonesia cho biết những xe của hãng phân phối chính thức ở thị trường này không thuộc diện bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, hãng cũng gửi lời xin lỗi vì đã gây hoang mang cho khách hàng.
Trong khi đó, trang web của TMC cũng như thông tin chia sẻ nội bộ đều xác nhận Việt Nam không nằm trong diện bị ảnh hưởng. Bởi các xe của Toyota Việt Nam là bản máy xăng (Land Prado, Land Cruiser) hoặc sản xuất trong nước (Fortuner), còn Hilux 2GD chỉ bị ảnh hưởng tại Nhật (tay lái nghịch).