Top những 'ông lớn' trong ngành sản xuất ô tô năm 2019

Đến hẹn lại lên, Interbrand đã công bố Danh sách 100 thương hiệu toàn cầu tốt nhất năm 2019; trong đó, hạng mục ô tô ít hơn năm ngoái một thương hiệu, đó là Subaru.
top nhung ong lon trong nganh san xuat o to nam 2019
 

Không quá ngạc nhiên khi một lần nữa Toyota lại chiếm vị trí đầu tiên trong lĩnh vực ô tô, với giá trị thương hiệu ước tính khoảng 56,246 tỷ USD. Tính trong bảng tổng sắp tất cả các ngành, Toyota đứng thứ 7, sau Apple, Google, Amazon, Microsoft, Coca-Cola, và Samsung.

Toyota không phải là thương hiệu duy nhất duy trì được vị trí của mình từ năm ngoái. Mercedes-Benz cũng giữ được vị trí thứ 2 trong lĩnh vực ô tô và thứ 8 trong bảng xếp hạng chung, với giá trị thương hiệu là 50,832 tỷ USD.

Trong khi đó, BMW (41,440 tỷ USD) đã tăng 2 bậc, trở thành thương hiệu ô tô giá trị thứ 3 thế giới (đứng thứ 11 tổng thể) trong năm 2019. Kế đến là Honda (24,422 tỷ USD), Ford (14,325 tỷ USD ) và Hyundai (14,125 tỷ USD).

Đứng thứ 7 là Volkswagen (12,921 tỷ USD), rồi tới Audi (12,689 tỷ USD) và Porsche (11,652 tỷ USD), đẩy Nissan xuống vị trí thứ 10 với giá trị thương hiệu 11,502 tỷ USD.

Thương hiệu đang có sự phát triển nhanh chóng là Ferrari cũng đã tỏa sáng trở lại trong năm nay, với giá trị thương hiệu đạt 6,458 tỷ USD, vươn lên vị trí thứ 11, đẩy các thương hiệu còn lại như Kia (6,428 tỷ USD) và Land Rover (5,855 tỷ USD) xuống thứ 12 và thứ 13. Hai thương hiệu ô tô cuối cùng là MINI (5,532 tỷ USD) ở vị trí thứ 14 và Harley-Davidson (4,79 tỷ USD) ở vị trí 15, cũng là chốt bảng.

top nhung ong lon trong nganh san xuat o to nam 2019
Giá trị thương hiệu Toyota đứng đầu trong lĩnh vực ô tô

Để được lọt vào Danh sách 100 Thương hiệu toàn cầu tốt nhất của Interbrand, doanh nghiệp phải đáp ứng một số điều kiện, trong đó có ít nhất 30% doanh thu phải đến từ các khu vực bên ngoài quê hương của doanh nghiệp đó. Hơn nữa, thương hiệu phải có sự hiện diện đáng kể ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, cũng như phạm vi địa lý rộng lớn tại các thị trường mới nổi. Doanh nghiệp cần phải có đầy đủ dữ liệu công khai về hiệu suất tài chính, và bất kỳ lợi nhuận kinh tế nào cũng phải được dự kiến tích cực trong dài hạn, lợi nhuận mang lại cao hơn chi phí vốn của thương hiệu. Cuối cùng, thương hiệu đó phải có một hồ sơ công khai và được nhận diện tại khắp các nền kinh tế lớn trên thế giới.