Thương hiệu con của Toyota bị phạt hơn 40.000 tỷ đồng vì gian lận khí thải

Bê bối gian lận khí thải của Hino Motor (thương hiệu con của Toyota) vào năm ngoái đã có kết quả khi Hino đồng ý nộp phạt và đền bù với số tiền lên tới 1,6 tỷ USD tương đương hơn 40.500 tỷ đồng.
Thương hiệu con của Toyota bị phạt hơn 40.000 tỷ đồng vì gian lận khí thải- Ảnh 1.

Vào giữa tháng 1 này, thương hiệu con của Toyota là Hino Motors đã đồng ý đóng khoản tiền phạt lên tới 1,6 tỷ USD (hơn 40.500 tỷ đồng). Trong 2 năm qua, họ đã bị phát hiện “gian lận dữ liệu thử nghiệm xả thải CO2” tại Mỹ. Số tiền trên sẽ được nộp lên Cục Quản lý An toàn giao thông đường bộ Mỹ NHTSA.

Theo văn bản được công bố, Hino Motors thừa nhận khai báo sai dữ liệu xoay quanh khoảng 105.000 động cơ diesel thường và 6.000 động cơ off-road. Hãng cũng sẽ thu hồi một số động cơ sử dụng trên xe tải sản xuất trong giai đoạn 2017 tới 2019 để chỉnh sửa đúng luật.

Thương hiệu con của Toyota bị phạt hơn 40.000 tỷ đồng vì gian lận khí thải- Ảnh 2.

Toyota đã có 2 năm gần nhất gặp bê bối liên tục từ gian lận khí thải của Hino Motors tới gian lận thử nghiệm an toàn của Hino, Daihatsu lẫn Toyota. Ảnh: EP

Hino Motors được Toyota mua lại phần lớn cổ phần vào 2001. Họ hiện chuyên cung ứng động cơ xe thương mại cũng như sản xuất xe tải thương mại hạng nặng và trung.

Khoản tiền phạt nói trên mà Toyota phải đóng là khoản tiền phạt lớn nhất tại Mỹ kể từ khi Volkswagen bị phát hiện gian lận khí thải trong bê bối Dieselgate hồi giữa thập kỷ trước. Tuy nhiên, giữa 2 bê bối này còn nhiều lần các hãng xe khác bị phạt vì gian lận dù tiền phạt không lớn bằng.

Ram và Jeep thuộc tập đoàn Stellantis đã vi phạm khí thải không ít lần tại Mỹ và bị phạt. Hàn Quốc phạt Mercedes-Benz và BMW vào 2023 vì lý do tương tự.

Thương hiệu con của Toyota bị phạt hơn 40.000 tỷ đồng vì gian lận khí thải- Ảnh 3.

Tạm thời phía tập đoàn Nhật đã giải quyết xong các vấn đề tồn đọng từ các bê bối trước đây. Ảnh: Kyoto News

Bê bối gian lận khí thải của Hino không phải là bê bối duy nhất mà Toyota vướng phải trong giai đoạn gần đây. Trong năm 2024, hãng bị Cục Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản điều tra vì gian lận thử nghiệm an toàn xe mới.

Khi đó, Toyota cùng nhiều hãng xe Nhật khác như Mazda, Honda, Suzuki và Yamaha đều đã thừa nhận có sai sót trong quá trình tự thử nghiệm an toàn xe mới. Về phần mình, Toyota cho biết phát hiện có 6 trường hợp gian lận thử nghiệm trên 7 mẫu xe. Hino Motors và sau đó là Daihatsu cũng bị phát hiện gian lận tương tự từ trước.