CEO của Mercedes-Benz nhấn mạnh rằng các mức thuế quan mà EU đề xuất áp lên xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ không giúp tăng cường năng lực cạnh tranh toàn cầu của EU. Mercedes-Benz tiếp tục phản đối kế hoạch này và kêu gọi hoãn lại để tránh gây tổn hại đến lợi ích kinh tế của cả hai bên.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Bild ngày 21/10, CEO Ola Källenius của Mercedes-Benz bày tỏ rằng EU nên ưu tiên thương mại tự do hơn là thiết lập thêm rào cản. Ông cho rằng mức thuế quan dự kiến không thúc đẩy sự chuyển đổi và tăng trưởng kinh tế dài hạn của EU, đồng thời kêu gọi tìm kiếm một giải pháp cân bằng để tránh leo thang tranh chấp thương mại.
Đức và ngành công nghiệp ôtô nước này đã nhiều lần cảnh báo rằng việc áp thuế có thể làm bùng nổ căng thẳng thương mại và gây ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích kinh tế của EU. Tháng 10/2024, đa số thành viên EU đã thông qua kế hoạch áp thuế lên xe điện Trung Quốc, trừ Đức và Hungary bỏ phiếu chống. Mức thuế này, dự kiến có hiệu lực từ 31/10, sẽ dao động từ 17% đối với ô tô của BYD, 18,8% đối với Geely, đến 35,3% đối với SAIC.
Các nhà phân tích nhận định đây có thể là biện pháp thương mại lớn nhất của EU với Trung Quốc trong hơn một thập kỷ. Quyết định này gây nhiều tranh cãi vì có thể cản trở quá trình chuyển đổi sang xe điện và làm tăng căng thẳng thương mại, trong khi ngành ôtô châu Âu đang đối mặt với chi phí sản xuất cao và quy định khắt khe.
Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc như MG và BYD cho biết sẽ giữ giá thấp ngay cả khi mức thuế mới có hiệu lực, nhờ vào việc tích trữ xe và các hỗ trợ từ chính phủ. MG, thuộc sở hữu của SAIC, sẽ chịu mức thuế 35,3%, nhưng vẫn cam kết duy trì giá bán đến hết năm 2024.
Giá xe điện trung bình ở Trung Quốc thấp hơn gần 50% so với châu Âu, do lợi thế về chi phí và các khoản trợ cấp. Trong nửa đầu năm 2023, giá trung bình của một chiếc xe điện tại Trung Quốc khoảng 32.000 euro, trong khi tại châu Âu là 66.000 euro. Các mẫu xe giá rẻ hơn, khoảng 20.000 euro, dự kiến sẽ chưa ra mắt trước năm 2025.