Phản đối kế hoạch đóng cửa nhà máy tại Đức, công nhân của Volkswagen bắt đầu đình công

Nhằm phản đối kế hoạch cắt giảm hàng nghìn việc làm và đóng cửa nhà máy tại Đức, rất nhiều công nhân đã đình công nhằm phản đối kế hoạch này.

Ngày 2/12, công nhân tại các nhà máy của Volkswagen (VW), nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Đức, đã tiến hành đình công nhằm phản đối kế hoạch cắt giảm hàng nghìn việc làm và đóng cửa một số nhà máy. Theo thông báo từ Liên đoàn Lao động IG Metall ngày 1/12, VW đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và đã vướng vào các cuộc đàm phán gay gắt với công đoàn kể từ tháng 9. Khi đó, hãng đã cân nhắc đến việc đóng cửa nhà máy tại Đức, nơi đang có khoảng 120.000 nhân viên, một động thái chưa từng có trong lịch sử hãng.

phan-doi-ke-hoach-dong-cua-nha-may-tai-duc-cong-nhan-cua-volkswagen-bat-dau-dinh-cong

Cuộc thương lượng tập thể lần này được đánh giá là thách thức lớn nhất mà VW từng trải qua. Hiện tại, hai bên chưa đạt được thỏa thuận về tiền lương. VW mong muốn người lao động chấp nhận giảm lương, với lý do mức lương hiện tại quá cao và cảnh báo về nguy cơ đóng cửa nhà máy cũng như sa thải nhân viên.

Theo VW, hãng đang phải đối mặt với sức ép tái cơ cấu để giảm chi phí và điều chỉnh sản xuất phù hợp với doanh số ngày càng giảm, đặc biệt tại châu Âu và nhiều khu vực khác. Đại diện công đoàn đề xuất giải pháp đóng băng lương và cắt giảm tiền thưởng trong hai năm 2025 và 2026, đổi lại, VW cam kết giữ nguyên số lượng việc làm và không đóng cửa nhà máy. Tuy nhiên, VW cho rằng đề xuất này không thể đạt được mức tiết kiệm bền vững 1,5 tỷ euro như yêu cầu.

phan-doi-ke-hoach-dong-cua-nha-may-tai-duc-cong-nhan-cua-volkswagen-bat-dau-dinh-cong

Hãng xe Đức nhận định sự sụt giảm doanh số ô tô tại châu Âu sau đại dịch COVID-19 đã kéo dài và khó có khả năng phục hồi như trước. Dữ liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA) cho thấy doanh số xe chở khách tại EU đã giảm từ hơn 13 triệu chiếc vào năm 2019 xuống còn 10,5 triệu chiếc vào năm 2023, và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong năm nay.

VW cho rằng việc cạnh tranh với các hãng xe giá rẻ của Trung Quốc ngày càng khốc liệt, buộc hãng phải tái cấu trúc quy mô và điều chỉnh chính sách trả lương. Hãng cũng thừa nhận không thể duy trì mức lương cao như trước, vốn được dùng để thu hút nhân tài tại trụ sở chính ở Wolfsburg.