Ông Donald Trump đang là một trong các ứng cử viên hàng đầu vào ghế tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ tiếp theo. Trong số những điều ông khẳng định sẽ thay đổi khi đắc cử, chính sách thúc đẩy xe điện là điều ông cho rằng sẽ chấm dứt ngay từ ngày đầu ông tại vị.
Tại hội nghị của Đảng Cộng hòa diễn ra tuần trước, ông Donald Trump đã phát biểu: "Tôi sẽ chấm dứt quy định về xe điện ngay ngày đầu tiên, từ đó sẽ cứu ngành công nghiệp ô tô Mỹ khỏi biến mất, đồng thời tiết kiệm cho người tiêu dùng mỹ cả nghìn đô la mỗi chiếc".
Trái ngược với ông Donald Trump, bà Kamala Harris (Phó Tổng thống Mỹ đương nhiệm) lại là một ứng cử viên tổng thống thân thiện với xe điện. Bà cho biết rằng khi đắc cử, bà sẽ tiếp tục công việc của ông Joe Biden với việc tiếp tục thắt chặt tiêu chuẩn khí thải.
Trên thực tế, chính sách đang thực thi tại Mỹ không quy định số lượng xe điện phải sản xuất, thay vào đó thì quy định về khí thải và mức tiêu hao nhiên liệu, từ đó cắt giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy xe hoạt động hiệu quả hơn.
Nếu chính sách của ông Biden tiếp tục được thực thi, xe điện được ước tính chiếm từ 30% đến 56% doanh số xe trong giai đoạn năm 2030 đến năm 2032.
Chính sách thúc đẩy xe điện hiện tại của ông Biden nằm trong Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA), qua đó cho phép hỗ trợ mỗi chiếc xe điện khoản tiền tối đa 7.500 USD với điều kiện tiên quyết là xe phải được sản xuất tại Mỹ; bên cạnh đó, đạo luật IRA cũng yêu cầu tỷ lệ thành phần của pin trên xe điện đến từ Trung Quốc phải giảm theo từng năm để thúc đẩy sản xuất trong nước.
Khi đạo luật IRA được thực thi, nhiều hãng xe đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy ô tô và/hoặc nhà máy pin xe điện tại Mỹ.
Hiện tại, thị trường xe Mỹ đang đón nhận nhiều mẫu đến từ đa dạng các thương hiệu và nguồn gốc, trong đó có mẫu VinFast VF 8 đang được nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam, Hyundai IONIQ 5 và KIA EV6 nhập khẩu từ Hàn Quốc, các mẫu của Tesla và Rivian thì đang được sản xuất tại Mỹ.
Theo điều kiện mà đạo luật IRA đặt ra, những mẫu xe nhập khẩu đang không đủ tiêu chuẩn nhận hỗ trợ, khiến các mẫu xe này mất đi một phần tính cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, nếu ông Donald Trump đắc cử, khả năng cao chính sách hỗ trợ nói trên sẽ không được tiếp tục, khiến các xe gần như ngang bằng nhau về tính cạnh tranh.
Song, tỷ phú Elon Musk - CEO của Tesla - lại cho rằng hỗ trợ của chính phủ Mỹ sẽ chỉ có lợi với các hãng xe khác, bản thân Tesla không cần khoản hỗ trợ này. Trên mạng xã hội X, Elon Musk viết: "Rất nhiều người nghĩ rằng Tesla sống nhờ hỗ trợ. Điều này đúng với đối thủ, không đúng với Tesla".
Elon Musk cũng khẳng định Tesla có giá trị riêng: "Giá trị của Tesla nằm nhiều ở tính năng tự lái. Những thứ khác không quan trọng bằng tính năng tự lái".
Với ứng cử viên tổng thống Donald Trump, ông cho rằng: "Những chiếc xe này [xe điện] đi không đủ xa. Chúng rất rất đắt. Chúng cũng rất nặng".
Hiện nay, Mỹ vẫn duy trì là thị trường ô tô lớn thứ 2 toàn thế giới, xếp sau Trung Quốc.
Tham khảo: Automotive News, Reuters, Paultan