Khách hàng tố xe điện tự bốc cháy khi sạc, đại lý phủ nhận lỗi sản phẩm
Vào tháng 10/2022, ông Lỗ mua một chiếc Zeekr 001 tại cửa hàng Zeekr Home chi nhánh ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) với giá khoảng 250.000 NDT (khoảng 870 triệu VNĐ).
Tuy nhiên, vào tối ngày 6/2/2024, chiếc xe điện của ông Lỗ đã gặp sự cố. Theo lời kể của ông, ông Lỗ cho bạn mượn xe đi, khi phát hiện xe hết điện, bạn ông đã đẩy xe đến một trạm sạc ở Ích Dương để sạc. Lúc đó, trời đang có tuyết rơi, mái che của trạm sạc bị đọng tuyết lại và một xe công vụ đang thực hiện dọn tuyết.
Ông nói thêm: “Có thể là trong quá trình đó, một ít tuyết và nước đã rơi vào khoang động cơ trước của xe. Khoảng 5 phút sau, khoang động cơ phát nổ.”

Động cơ của xe bị cháy
Sau sự cố, ông Lỗ đã trao đổi với quản lý trạm sạc, bên đó chấp nhận bồi thường nếu sự cố là do lỗi của họ.
Theo đề xuất của quản lý trạm sạc và đơn vị bảo hiểm, ông Lỗ đã ủy thác Công ty Giám định và Đánh giá phương tiện cơ giới Thiên Kiệt tiến hành giám định xe. Báo cáo giám định kết luận rằng khu vực bắt lửa nằm ở phần mô-đun điều khiển, phía dưới giá đỡ màu đen ở giữa khoang động cơ.
“Khi nhận kết quả, tôi khá bất ngờ vì đây là lỗi của chính mô-đun xe, không phải do yếu tố bên ngoài gây ra.” Ông Lỗ chia sẻ.
Sau đó, ông đã mang báo cáo này đến showroom ô tô để yêu cầu giải quyết.
Đại diện showroom khẳng định: sản phẩm không hề bị lỗi
Trong quá trình thương lượng, showroom cũng thuê Công ty TNHH Công nghệ Kiểm định Hoa Bích tiến hành giám định, bản giám định mới lại kết luận rằng “cực dương bình ắc quy có dấu hiệu đoản mạch”.

Ảnh minh họa
Trước kết quả đó, ông Lỗ bức xúc nói: “Xe tôi cháy do lỗi mô-đun, điểm cháy rất rõ ràng. Nhưng họ lại đưa cho tôi một báo cáo giám định về ắc quy, chẳng khác nào đang tìm cách chối bỏ trách nhiệm. Điều này giống như tôi bị đau bụng nhưng bác sĩ lại không kiểm tra dạ dày mà đi chụp CT não, hoàn toàn không liên quan.”
Ngày 23/9, bà Tào – người phụ trách dịch vụ hậu mãi của cửa hàng, giải thích rằng tại thời điểm xảy ra sự cố, trời có băng tuyết và có xe đang dọn tuyết hoạt động gần khu vực sạc.
“Xe của ông Lỗ sau khi hết pin đã được đẩy tới trạm sạc và khi đang kích điện cho ắc quy phụ thì nước tuyết tan đã chảy vào khoang trước, gây ra chập mạch. Báo cáo giám định cũng đã xác nhận rằng sự cố xuất phát từ chập điện, vì vậy không thể nói rằng xe bị lỗi được. Hiện tại, công ty bảo hiểm đang tiến hành giám định thiệt hại để sửa chữa xe. Nếu ông Lỗ cảm thấy chi phí sửa chữa không hợp lý, ông ấy có thể làm việc với công ty bảo hiểm, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ.” Bà nói rõ.
“Thêm vào đó, công ty bảo hiểm xác nhận xe có thể được bồi thường theo diện tai nạn bảo hiểm, điều này cũng phần nào bác bỏ giả thuyết rằng sự cố xảy ra do lỗi chất lượng sản phẩm.” Bà Tào nói thêm.
Khi ông Lỗ đặt vấn đề “tại sao xe cháy từ mô-đun mà chỉ kiểm tra bình ắc quy?”, bà Tào cho biết bản thân không tham gia vào quá trình giám định và không phải là kỹ thuật viên nên không thể trả lời.
Do không đồng ý với kết quả giám định mới, ông Lỗ đã đề xuất mời một tổ chức giám định thứ ba mà cả hai bên đều công nhận để kiểm tra lại các bộ phận liên quan. Tuy nhiên, bà Tào cho rằng nếu hai bên không thể thống nhất, có thể giải quyết theo hướng kiện tụng.
Luật sư lý giải
Luật sư Cấp cao Lý Húc, đối tác của Văn phòng Luật sư Kim Châu, cho biết: kết quả giám định từ các tổ chức giám định mà mỗi bên tự chọn có thể có giá trị pháp lý, nhưng bên còn lại vẫn có quyền nghi ngờ và phản đối. Nếu có tranh chấp về kết quả giám định, các bên có thể giải quyết qua thủ tục pháp lý.
Luật sư Lý đề xuất hai bên nên cùng chọn tổ chức giám định hoặc ủy thác cơ quan có thẩm quyền chỉ định để đảm bảo tính công bằng và uy tín. Trong quá trình giải quyết sự cố, hai bên cần duy trì liên lạc và thương lượng để đạt thỏa thuận, tránh tranh chấp pháp lý. Nếu không thành công, có thể khởi kiện yêu cầu tòa án chỉ định tổ chức giám định và phân định trách nhiệm dựa trên kết quả giám định.
Vụ việc hiện vẫn chưa đi đến thống nhất giữa hai bên. Nếu không thể đạt được thỏa thuận qua thương lượng, khả năng cao sẽ phải giải quyết bằng con đường pháp lý.
Theo Sohu, Baidu