Loạt hãng xe sang rút khỏi thị trường Mỹ do áp lực từ chính sách thuế quan mới

Những chính sách thuế quan “cứng rắn” do chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra đang gây ra những tác động rõ rệt lên ngành công nghiệp ô tô tại Mỹ. 

Với mức thuế suất lên tới 25% áp dụng cho xe nhập khẩu, nhiều hãng xe quốc tế, đặc biệt là các thương hiệu xe sang đang buộc phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh, thậm chí tạm ngừng xuất khẩu sang thị trường này.

Mới đây, Audi đã chính thức tuyên bố ngừng toàn bộ hoạt động xuất khẩu ô tô sang Mỹ từ đầu tháng 4, sau khi chính sách thuế mới chính thức có hiệu lực. Hiện tại, các đại lý Audi tại Mỹ vẫn còn khoảng 37.000 xe trong kho, đủ để duy trì nguồn cung trong khoảng hai tháng. Sau thời điểm này, thị trường Mỹ sẽ không còn xe mới mang thương hiệu Audi được nhập khẩu.

Trước đó, Jaguar Land Rover (JLR) cũng tuyên bố sẽ rút khỏi thị trường Mỹ. Giới chuyên gia nhận định, nếu chính quyền Tổng thống Trump không sớm có sự điều chỉnh trong chính sách thương mại, làn sóng rút lui khỏi thị trường Mỹ của các thương hiệu xe sang sẽ còn tiếp tục lan rộng.

Thị trường Mỹ từ lâu đã được xem là một trong những trung tâm tiêu thụ ô tô lớn nhất thế giới, với sức mua ổn định và mức độ đa dạng hóa cao. Tuy nhiên, chính sách thuế nhập khẩu mới đang tạo ra một sức ép lớn đối với cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.

Với mức thuế 25%, các hãng xe nhập khẩu sẽ phải đối mặt với hai lựa chọn: một là chịu thiệt hại về lợi nhuận khi giữ nguyên giá bán, hai là buộc phải tăng giá, khiến sản phẩm mất tính cạnh tranh. Điều này đặc biệt ảnh hưởng tới phân khúc xe sang, vốn đã có mức giá cao khiến người tiêu dùng khó tiếp cận.

Việc các hãng xe dừng xuất khẩu sang Mỹ không chỉ khiến giá bán tăng cao, mà còn kéo theo sự sụt giảm về số lượng cũng như sự đa dạng trong danh mục sản phẩm tại thị trường này. Trong ngắn hạn, các nhà sản xuất ô tô Mỹ chưa thể lấp đầy khoảng trống do các thương hiệu quốc tế để lại, tạo nên thách thức lớn cho toàn ngành công nghiệp.

Đối với các hãng xe toàn cầu, việc rút lui khỏi Mỹ cũng đồng thời là một cách gây áp lực ngược trở lại chính quyền Washington, nhằm buộc các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc lại tác động dài hạn của thuế quan cao đối với thị trường trong nước.

Dù vậy, một số doanh nghiệp đang tính đến các kịch bản trung và dài hạn, bao gồm việc thiết lập dây chuyền lắp ráp ngay tại Mỹ để né thuế nhập khẩu. Trường hợp của Audi là một ví dụ điển hình, khi hãng này hoàn toàn có thể tận dụng nhà máy của tập đoàn mẹ Volkswagen tại bang Tennessee để triển khai sản xuất.

Tuy nhiên, không phải thương hiệu nào cũng có hạ tầng sẵn có như Audi. Việc xây dựng nhà máy mới, tuyển dụng nhân lực và điều chỉnh chuỗi cung ứng không thể thực hiện trong thời gian ngắn. Đây là lý do khiến nhiều hãng xe lựa chọn phương án tạm dừng xuất khẩu, thay vì đầu tư sản xuất nội địa ngay lập tức.

Trong bối cảnh thị trường ô tô toàn cầu đang trải qua giai đoạn “chuyển mình” mạnh mẽ với xu hướng điện hóa và số hóa, chính sách thuế quan của Mỹ được đánh giá là “rào cản” lớn đối với quá trình hội nhập. Nếu không có sự điều chỉnh phù hợp, ngành công nghiệp ô tô Mỹ có nguy cơ đánh mất vị thế cạnh tranh trước sự vươn lên của các trung tâm sản xuất khác.

TH (Tuoitrethudo)