Không thể chiều lòng tất cả, Toyota sẽ biến mỗi quốc gia ASEAN thành một "công xưởng" trong chuỗi làm xe điện giá rẻ

Bên lề triển lãm Japan Mobility Show 2023, Toyota đã tiết lộ không dễ để xây nhà máy cho các mẫu xe điện sắp ra mắt thị trường Đông Nam Á. "Tất cả các quốc gia đều yêu cầu chúng tôi đầu tư vào đất nước của họ", ông Hao Quoc Tien, Chủ tịch Toyota khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cho hay.
Không thể chiều lòng tất cả, Toyota sẽ biến mỗi quốc gia ASEAN thành một 'công xưởng' trong chuỗi làm xe điện giá rẻ  - Ảnh 1.

Ông Hao Quoc Tien, Chủ tịch Toyota khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (giữa), cho biết chiến lược phát triển xe điện của hãng trong nội khối ASEAN có thể đi theo hướng biến mỗi quốc gia ASEAN thành một phần của chuỗi sản xuất nói chung

Quốc gia nào cũng muốn thu hút Toyota đầu tư vào nước mình. Tuy nhiên, theo ông Hao Quoc Tien, Chủ tịch Toyota khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Toyota không thể sản xuất lắp ráp trong nội địa toàn bộ xe điện ở từng quốc gia khu vực Đông Nam Á.

"Để hoạt động bền vững thì giá cả cần ở mức phải chăng. Do đó, cần sản xuất khối lượng lớn. Nếu sản xuất xe điện ở từng quốc gia A, quốc gia B rồi C, ô tô sẽ trở nên đắt đỏ", ông giải thích.

Thực tế, Toyota đã gặp phải vấn đề tương tự với các mẫu xe xăng dầu truyền thống, ông Hao cho biết. Toyota đã tìm ra giải pháp. Về mặt lý thuyết, giải pháp này cũng có thể áp dụng được cho xe điện.

Mô hình "trung tâm xuất sắc" (Toyota Centres of Excellence) là chìa khóa ở đây. Về cơ bản, đó là việc các quốc gia tập trung sản xuất các bộ phận khác nhau cấu thành lên ô tô. Sau đó tận dụng lợi thế của Hiệp định thương mại tự do ASEAN - chủ yếu là giảm/miễn thuế giữa các nước nội khối - để lắp ráp một chiếc xe hoàn chỉnh với chi phí tương đương sản xuất tại một quốc gia.

Một hình thức di chuyển mới mà Toyota muốn hướng tới: chỉnh sửa các xe theo đúng mục đích tại từng quốc gia

"Chúng tôi vẫn sẽ bản địa hóa các linh kiện phụ tùng (nhưng không phải gom chung vào một chỗ). Có thể Indonesia sẽ sản xuất pin, Thái Lan sản xuất động cơ điện. Sau đó, một quốc gia khác lắp ráp pin. Cùng nhau, chúng ta có thể tận hưởng một chiếc xe điện giá rẻ", ông Hao giải thích thêm.

Phát biểu của ông Hao Quoc Tien cho thấy Toyota có kế hoạch tận dụng thế mạnh của mỗi quốc gia để tạo thành lợi thế chung, cuối cùng là cung cấp những chiếc xe điện giá cả phải chăng hơn cho tất cả các nước ASEAN. Qua đó, các nước đều được nhận đầu tư từ Toyota (dù nhỏ hơn), và ai cũng sẽ hài lòng.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ Toyota sẽ phân bổ tài nguyên ở từng nước như thế nào, và Việt Nam đóng vai trò gì trong chuỗi cung ứng đó.

Không thể chiều lòng tất cả, Toyota sẽ biến mỗi quốc gia ASEAN thành một 'công xưởng' trong chuỗi làm xe điện giá rẻ  - Ảnh 3.

Toyota theo đuổi điện hóa nhưng thực dụng để đáp ứng nhu cầu di chuyển mới của khách hàng

Về định hướng tương lai gần, Toyota khẳng định cam kết với mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, thay vì chỉ tập trung vào xe điện như các đối thủ, hãng xe Nhật tìm cách tối ưu hình thức di chuyển để giảm lượng khí thải ra môi trường.

Ví dụ, thay vì dùng 10 xe máy, Toyota cung cấp 1 chiếc ô tô có khả năng chuyên chở tương đương nhưng với sức mạnh lớn hơn và ít thải khí CO2 hơn.

Nhìn rộng hơn về mặt chiến lược, Toyota muốn trở thành một nhà sản xuất không chỉ một chiếc xe hơi mà là một hình thức di chuyển mới. Họ tập trung vào 3 mũi nhọn chính, gồm: xe xanh (xe điện, xe hybrid), xe xăng đang bán tốt và các mẫu xe thích hợp với từng mục đích di chuyển của người dùng.