Mới đây, tờ Automotive News đã có bài viết nói về nỗi lo của ngành xe Mỹ trước những mẫu xe điện giá rẻ đến từ Trung Quốc. Theo bài viết này, Ford Motor nhìn nhận xe điện Trung Quốc là "mối hiểm họa chiến lược to lớn" mà sẽ tới đất Mỹ không sớm thì muộn.
Đi cùng với những mẫu xe giá rẻ đó còn là nhu cầu khách hàng với xe lai điện sạc ngoài (Plug-in Hybrid - PHEV) đang tăng lên, còn xe điện thì tăng trưởng chậm lại so với dự đoán. Thế nhưng, dường như Elon Musk lại có một kế hoạch trái ngược.
XE TRUNG QUỐC LÁCH RÀO THUẾ QUAN
Bà Marin Gjaja - Giám đốc Vận hành bộ phận Model e chuyên phát triển xe điện của Ford - nhận định: "Họ [đối thủ từ Trung Quốc] đang đi trước chúng ta với công nghệ này. Chúng ta nhìn vào họ rồi nói 'Kiểu gì họ cũng sẽ tới, tốt nhất là nên chuẩn bị dần và nên gắng phát triển xe điện, bằng không thì công ty sẽ khó lòng trụ nổi".
Thực tế, những gì bà giám đốc vận hành Model e của Ford phản ánh về việc khách hàng phổ thông đang quay lưng lại với xe điện vì giá cao và trạm sạc còn nhiều yếu kém.
Vào tuần trước, CEO của Ford, ông Jim Farley, hé lộ rằng công ty đang trong quá trình phát triển một mẫu xe điện có giá cả phải chăng hòng đấu chọi lại với đối thủ từ Trung Quốc, đồng thời cả một mẫu xe giá rẻ mà Tesla cũng đang bắt tay vào làm.
Xét tổng doanh số xe điện, BYD của Trung Quốc vừa vượt qua Tesla trong quý cuối của năm 2023 để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới. Góp công lớn cho thành tích này của BYD là mẫu Seagull có giá chỉ 11.000 USD - tức khoảng 270 triệu đồng.
Giám đốc Vận hành bộ phận Model e của Ford, bà Marin Gjaja, cho biết Ford nhận thấy các nhà sản xuất xe Trung Quốc đang tìm cách đi đường vòng để tránh hàng rào thuế quan 27,5% do Mỹ đặt ra. Họ - các hãng xe Trung Quốc - xây dựng nhà máy tại Mexico. Ford đồng thời dẫn ra nhiều bằng chứng cho thấy BYD đã bắt đầu khảo sát địa điểm đặt nhà máy tại Mexico.
Bà Marin Gjaja cho biết: "Nếu như tôi đang ở Trung Quốc và vận hành một nhà máy, tôi sẽ tìm kiếm một nơi tại Mexico vì tôi có đủ các nhà cung ứng cơ bản, giá xây dựng rẻ, giá nhân công thấp, [và hiệp định thương mại với Mỹ] mà sẽ cho tôi cơ hội tiếp cận thị trường Mỹ".
Bà cũng nhận định: "Họ chắc chắn sẽ tới đây, tương tự như các hãng xe Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Đức. Mỹ là một thị trường béo bở".
HÀNH ĐỘNG LẠ CỦA ELON MUSK
Trái ngược với lo ngại từ phía Ford, CEO Tesla, tỷ phú Elon Musk, dường như đang mời gọi các nhà sản xuất Trung Quốc tới.
Một nguồn ẩn danh của Bloomberg cho biết rằng Elon Musk đang mời các nhà cung cấp từ nửa kia của thế giới tới Mexico, nhằm nhân bản chuỗi cung ứng cho nhà máy Tesla Thượng Hải (Trung Quốc). Hành động này là một phần trong kế hoạch sản xuất các mẫu xe điện có giá rẻ hơn tại nhà máy ở Nuevo Leon, Mexico. Sau cùng, mọi hoạt động sẽ hỗ trợ nhà máy của Tesla tại Austin, bang Texas, Mỹ.
Một số báo cáo đã cho thấy rằng ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất ô tô đã tăng trưởng 15% về giá trị trong năm 2023. Giới chuyên gia vì thế cũng đang tranh cãi xem liệu các doanh nghiệp Mỹ có nên tận dụng ưu thế về tính hiệu quả và chi phí thấp của chuỗi cung ứng có Trung Quốc tham gia hay không.
Hiện nay, Nhà Trắng được cho là đang tìm cách tối ưu hàng rào thuế quan hiện tại đối với các xe sản xuất Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, đồng thời tìm cách hạn chế khối lượng thông tin mà các phương tiện Trung Quốc thu thập được.
Một trong các biện pháp lách hàng rào thuế quan của Mỹ là thành lập công ty vỏ bọc tại Mexico. Để đối phó, Bộ trưởng Tài chính - bà Janet Yellen - đã tới Mexico để có được thỏa thuận nhằm thắt chặt chính sách đầu tư từ nước ngoài.
Trong khi nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Mỹ không nên đóng cửa hoàn toàn giao thương với Trung Quốc, Hiệp hội các Nhà sản xuất Linh kiện ô tô Canada lại đang lo ngại làn sóng nhà cơ hội nhận đầu tư của các công ty tại Bắc Mỹ có thể bị các nhà cung cấp Trung Quốc cướp mất.