Trong tháng 5 này, tờ Car and Driver đã thực hiện một thử nghiệm khá thú vị. Họ đã đo đạc khả năng tăng tốc từ 0 lên 96 km/h và 8 lên 96 km/h của rất nhiều dòng xe ở các phân khúc khác nhau. Mục tiêu của tờ báo này là một chỉ số tăng tốc "thực tế" hơn thay vì một chỉ số như trong trường đua.
Kết quả thu về thực sự thú vị khi tờ báo này phát hiện ra rằng xe đứng yên tăng tốc nhanh, thậm chí nhanh hơn đáng kể xe đã di chuyển từ từ từ trước.
Trong nhóm những xe được thử nghiệm, dòng xe thể thao là Porsche 718 Cayman T (bản số sàn, sản xuất 2020) có độ trễ chênh lệch nhiều nhất giữa 2 trạng thái. Cụ thể, xe tăng tốc từ 0 lên 96 km/h chỉ mất 4,4 giây nhưng mất thêm tới 2 giây (6,4 giây) để tăng tốc từ 8 lên 96 km/h.
Một dòng xe thể thao khác là BMW m235i (bản Gran Coupe 4 cửa, đời 2020) cũng mất thêm 1,8 giây để đạt tốc độ 96km/h khi đang lăn bánh sẵn. Range Rover Velar (+1,8 giây), Ford Bronco (+1,7 giây) và Porsche Cayenne (+1,7 giây) hoàn tất top 5 mẫu xe có độ chênh lệch trong tăng tốc rõ nhất.
Điểm chung của những mẫu xe trên là đều sử dụng động cơ tăng áp. Độ trễ tăng áp được lý giải là một trong những nguyên nhân dẫn tới chênh lệch trên. Mẫu xe tăng áp có độ trễ thấp nhất là Hyundai Sonata N-Line vẫn chậm hơn 0,2 giây khi đang trờ bánh so với khi đứng yên.
Ngoài ra, việc xe đang lăn bánh chậm rãi đồng nghĩa với việc xe đang vận hành số 2 thay vì số 1 như khi đứng yên, vì thế dẫn tới sự chậm trễ cho các dòng xe dùng hộp số tự động hoặc ly hợp kép tự động.
Ở chiều ngược lại, các mẫu xe chạy động cơ hút gió tự nhiên có độ trễ giữa 2 mức tăng tốc gần như không có hoặc thậm chí tăng tốc nhanh hơn khi đang trờ bánh.
Dẫn đầu danh sách này là... dòng xe đô thị Mitsubishi Mirage với thời gian tăng tốc từ 8 lên 96 km/h thấp hơn 0,1 giây so với thời gian tăng tốc từ trạng thái đứng yên. Một dòng tên khác có chung kết quả này là dòng MPV Honda Odyssey.
Ngoài ra, Chevrolet Blazer, Honda Pilot, Nissan Versa và Kia Telluride không có sự chênh lệch trong tăng tốc giữa mức 0-96 km/h và 8-96 km/h.