Ắc quy: Mỏ vàng hay cơn ác mộng của ngành xe điện?

Những hạn chế về công nghệ không thể vượt qua, cùng lợi nhuận thấp khiến ắc quy trở thành nơi đốt tiền của những người tham gia cuộc đua.
Ắc quy: Mỏ vàng hay cơn ác mộng của ngành xe điện? - Ảnh 1.

Theo tờ Financial Times (FT), kể từ khi xuất hiện lần đầu 8 năm trước, ắc quy xe điện đã trở thành một cuộc đua giữa nhiều hãng sản xuất nhằm tận dụng xu thế bùng nổ của ô tô điện.

Thế nhưng những lời tiên đoán về phát triển công nghệ, cải tiến kỹ thuật của ắc quy điện vẫn chỉ là mơ tưởng viển vông, trong khi lợi nhuận biên của ngành này thì vô cùng thấp, chưa kể đến sự ô nhiễm môi trường mà nó đem lại.

Đặc biệt, tờ FT nhận định những giới hạn khó lòng vượt qua về công nghệ kỹ thuật sẽ biến mảng này thành nơi đốt tiền của những người tham gia cuộc đua.

Ắc quy: Mỏ vàng hay cơn ác mộng của ngành xe điện? - Ảnh 2.

Giới hạn về cơ chế sản xuất

Trong khi Mỹ chi nghìn tỷ USD để xây các nhà máy ắc quy “siêu to siêu khổng lồ” khắp đất nước thì Anh cũng đang lo lắng khi ngành ắc quy của nước này thoi thóp. Châu Âu thì đã xây dựng được nhiều cơ sở sản xuất ắc quy trong khi Trung Quốc thì vẫn dẫn đầu ở ngành này, nhờ đó tự tin sẽ thống trị mảng ô tô điện trong tương lai.

Hầu như ai cũng hiểu xe điện thì cần ắc quy và việc phát triển chúng là điều hiển nhiên. Thế nhưng những minh chứng lịch sử cho thấy ngành này có lợi nhuận biên rất thấp, cần quá nhiều vốn, gây ô nhiễm môi trường và đặc biệt là gặp hạn chế cực kỳ lớn về công nghệ. Hệ quả là tờ FT cho rằng những hãng đâm đầu vào ngành này nếu không được chính phủ hỗ trợ mạnh tay thì cuối cùng cũng sẽ phá sản.

Hiện hầu hết các nhà máy sản xuất ắc quy cỡ lớn đều nằm ở Châu Á. Sony đi tiên phong với nhà máy sản xuất ắc quy Lithium thập niên 1990 nhưng phải bán lại năm 2016 sau nhiều năm thua lỗ.

Hãng Panasonic của Nhật Bản, Samsung và LG của Hàn Quốc cũng đầu tư vào mảng này và có doanh số ổn định. Tuy nhiên các hãng này cũng gặp khó để nâng tỷ suất lợi nhuận hoạt động trên doanh thu (Operation margin) lên mức 10%, hoặc thậm chí mục tiêu đạt doanh thu hàng chục tỷ USD cũng là một giấc mơ quá xa vời.

Hiện tập đoàn ắc quy phát triển nhanh nhất, có lợi nhuận cao nhất vẫn là CATL của Trung Quốc, vốn nhận được rất nhiều ưu đãi và bảo hộ của chính phủ.

Nguyên nhân chính của việc khó gia tăng lợi nhuận nhanh chóng trong ngành ắc quy là cơ chế sản xuất của nó. Nhà máy sẽ phải mua lượng lớn nguyên liệu gây ô nhiễm môi trường, ví dụ như Nickel hay Lithium, rồi tinh chế chúng với số lượng cực lớn. Thế rồi họ phải chi hàng trăm triệu USD cho những thiết bị sản xuất.

Thành phẩm bán ra được giao dịch với các nhà máy sản xuất ô tô điện, vốn là thị trường chẳng có sự trung thành của người mua hay những doanh số phát sinh sau khi chấm dứt hợp đồng. Bạn bán ắc quy cho nhà máy xe điện và chấm hết, chẳng còn việc gì liên quan đến bạn nữa.

Ắc quy: Mỏ vàng hay cơn ác mộng của ngành xe điện? - Ảnh 3.

Hậu quả là nếu một ngành quá khó nhằn để kiếm lời như vậy thì liệu có nhiều nhà đầu tư sẽ còn hứng khởi với thị trường này nữa không. Phải chăng đây là lý do mà Tesla xây nhà máy ở Trung Quốc chứ không phải ở nước khác?

Giới hạn về công nghệ

Người ta vẫn thường nói sự phát triển của công nghệ sẽ khiến giá xe điện rẻ đi, tiện lợi hơn, nhất là ở mảng ắc quy. Thế nhưng sự thật không phải vậy.

Tờ FT cho biết công nghệ cơ bản về ắc quy đã tồn tại suốt nhiều năm và được phát triển, cải tiến vô cùng chậm. Các phản ứng trong ắc quy liên quan nhiều đến hóa học và người ta không thể đơn giản chỉ thu nhỏ nó lại mà vẫn giữ được công suất.

Việc dựa vào phản ứng giữa cực dương với cực âm trong hóa điện của ắc quy đã làm giới hạn khả năng lưu trữ năng lượng của nó. Các nhà khoa học hiện mới chỉ tìm cách kiếm những vật liệu mới như chuyển sang dùng Lithium mà chưa có một giải pháp đột phá nào cho trái tim của ô tô điện, hoặc nếu có cũng chưa thể sản xuất hàng loạt.

Vậy là ắc quy với công nghệ hóa điện cũ kỹ, sẽ phải làm việc khi trời nóng cũng như trời lạnh, phải sạc nhanh rồi tiêu hao năng lượng hiệu quả cho xe di chuyển với tốc độ cao, lại còn phải an toàn và giá rẻ, thậm chí là thân thiện với môi trường theo những yêu cầu tại Châu Âu. Chừng đó tiêu chuẩn là quá cao so với khả năng công nghệ hiện nay trong ngành ắc quy.

Nhầm đường

Để có thể cắt giảm chi phí, các nhà máy hiện nay gia tăng sản lượng thông qua kinh nghiệm sản xuất, quen tay hay làm để nâng thành phẩm lên, qua đó hạ giá thành xuống. Thế nhưng việc mở rộng quy mô thì lại cần vốn chứ không phải kỹ thuật, hệ quả là những thị trường nhiều vốn đông lao động, chi phí rẻ như Trung Quốc được lựa chọn.

Tờ FT nhận định cuộc chiến ắc quy tại những nước phát triển rồi sẽ có kết cục tương tự như ngành tấm pin năng lượng mặt trời, tivi... khi Trung Quốc là kẻ thắng sau cùng.

Ắc quy: Mỏ vàng hay cơn ác mộng của ngành xe điện? - Ảnh 4.

Tất nhiên, nếu ắc quy trở thành mặt hàng chiến lược cho cuộc cách mạng xe điện thì những xung đột thương mại sẽ buộc các quốc gia phải cố gắng tự chủ mảng này.

Dẫu vậy tờ FT cho rằng việc quá chú trọng vào ắc quy khiến các nước quên đi những giá trị khác lớn lao hơn trong ngành, đó là khả năng thu thập dữ liệu người lái, thiết kế, mức độ an toàn, kinh doanh phần mềm...Đây là những mảng mà các quốc gia phát triển có thể kiếm lời thay vì quá chăm chú vào ắc quy.

Rõ ràng, cuộc chiến xe điện hiện nay không phải là ai sản xuất nhiều ắc quy hơn, vì kỹ thuật của nó có giới hạn và không kiếm lời nhiều. Thứ đáng ăn tiền nhất trong ngành xe điện là phần mềm và số liệu, điều mà nhiều công ty ở Thung lũng Silicon đang làm rất tốt.

*Nguồn: FT