Khi người dùng Việt Nam đang quen với những cái tên như Honda 67, Super Cub, Simson SS50, Dream được nhập khẩu từ Thái Lan mang đến một làn gió mới. Chiếc xe có nhiều đường nét hiện đại vào thời điểm đó. Thân xe tạo hình bằng những khối vuông vức, tiếng động cơ êm tai và giá bán tương đương cả chục cây vàng. Dream như một tài sản thể hiện sự giàu có của chủ sở hữu.
Thiết kế liền lạc, màu sơn mận chín trở thành điểm dễ nhận diện của Dream trong nhiều năm trên thị trường. Nói đến Dream khi đó, những người sở hữu xe không giấu được sự tự hào, trong khi những người không có nhìn xe bằng ánh mắt đầy ham muốn. Xe thực sự là một hiện tượng trong quá trình hình thành thị trường xe máy Việt Nam.
Đến năm 1996, Honda đầu tư vào Việt Nam và tung ra mẫu Super Dream khoảng 1 năm sau đó. Lúc này, giá xe trở nên mềm hơn so với nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan. Dẫu vậy, Super Dream lại có những nét chỉnh sửa, mềm mại hơn so với nguyên gốc nên khiến người dùng có phần băn khoăn.
Thế khó cho dòng xe số này tăng lên khi làn sóng xe Trung Quốc tràn vào Việt Nam những năm 2000. Các thương hiệu này không ngần ngại nhái y chang kiểu dáng các sản phẩm của Honda, và Dream không phải ngoại lệ.
Cũng màu mận chính, cũng kiểu dáng nhiều chi tiết vuông vức, nhưng người dùng chỉ phải trả bằng nửa tiền để mua một chiếc Dream gắn logo “Hongda" do Lifan sản xuất.
Làn sóng xe nhái sau đó được chính Honda dập tắt bằng các sản phẩm chất lượng, giá cạnh tranh, điển hình là Wave Alpha. Tuy nhiên, sự dễ tiếp cận về giá bán, thị trường có thêm những sản phẩm hợp thị hiếu phần nào đẩy Dream vào thế khó.
Vẫn là sản phẩm mơ ước với những người cần, nhưng mất đi “cái chất” ban đầu và không phù hợp với số đông, Dream dừng bán tại Việt Nam từ năm 2017 sau nhiều lần cải tiến. Dẫu vậy, hơn 20 năm xuất hiện tại Việt Nam, Dream đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển chung của thị trường xe máy.