Thắc mắc đó được chúng tôi mang tới một Bimmer thực thụ. Đó là anh Nguyễn Quang Minh - một người sử dụng xe BMW được 7 năm với 2 chiếc xe là 116i và X6.
Chào anh Minh, đâu là lý do mà anh chọn xe BMW?
Trước đây, tôi đã từng sử dụng qua nhiều dòng xe khác nhau. Trước khi đổi sang BMW, tôi có chạy một chiếc xe sang khác nhưng sau đó phải bán đi vì khó khăn. Năm 2013, tôi có điều kiện để mua xe mới. Tôi định trung thành với thương hiệu xe sang trước đây nhưng thiết kế của các mẫu hiện tại không còn đủ bắt mắt nữa. Chúng lại thiếu kha khá trang bị so với nhu cầu thực tế của cả hai vợ chồng.
Tôi sang showroom BMW ở bên phía đối diện đường để xem dòng 1-Series. Dáng khoẻ khoắn của chiếc BMW 116i thu hút tôi từ cái nhìn đầu tiên. Trang bị cơ bản mà hữu ích là ghế chỉnh điện đã được trang bị trên chiếc xe giá hơn 1,2 tỷ này. Và thế là 116i là chiếc BMW đầu tiên của tôi. Tôi đi bấm biển và thật may mắn là biển số trùng với đúng ngày kỷ niệm cưới của 2 vợ chồng. Tôi càng cảm thấy yêu quý chiếc xe hơn.
Nhu cầu thay đổi, đến năm 2015, tôi quyết định chọn thêm một chiếc xe SUV của BMW. Ban đầu tôi định lấy chiếc X5 nhưng sau đó chuyển qua mua chiếc X6 vì dáng độc lạ. Cả 2 chiếc X6 và 116i vẫn được giữ lại dùng cho đến tận bây giờ.
Ấn tượng ban đầu của anh với xe BMW là gì?
Đó là cảm giác lái. BMW 116i tuy là xe nhỏ nhưng rất đầm chắc, lanh lợi. Tôi đã từng thử chạy đến tốc độ 140 km/h mà xe vẫn chắc chắn. Công suất động cơ tuy nhỏ nhưng gia tốc của xe lại rất tốt. Vô-lăng đánh lái chính xác, trả lái không có độ trễ. Chiếc xe thực sự mang đến cảm nhận an toàn.
Sau ngần ấy năm sử dụng, anh thấy ấn tượng đầu tiên đó có đúng hay không?
Nó hoàn toàn đúng, cả với chiếc 116i và X6 sau này.
Tôi còn nhớ như in một tình huống mà giờ nghĩ lại vẫn còn toát mồ hôi. Khi vượt xe tải, tầm nhìn khuất, tôi không kịp nhận ra điều đó cho đến khi bắt đầu vượt. Mà đã vượt là phải chạy nhanh dứt khoát, khi đó đang chạy đến 80 km/h, vòng tua 4.000-5.000 vòng/phút. Đó đúng là tính huống tiến thoái lưỡng nan, phanh không kịp, mà đánh lái sang lại vướng chiếc xe tải. Khi đó có khoảng trống ở bên đường, tôi nhanh trí bẻ cua theo hình chữ C để thoát nạn. Phải nói là chiếc xe đã cứu mạng mình vì nó xử lý đúng như mình trông đợi, vừa đủ chính xác.
Là một người đam mê cầm lái, anh nghĩ thế nào về slogan "Cỗ máy lái" (The Ultimate Driving Machine) của BMW?
Nói xe BMW là The Ultimate Driving Machine là hoàn toàn chính xác.
Mình lái xe mà chiếc xe như đôi chân của mình vậy. Mình đi đường lồi lõm, đường phẳng đều cảm nhận được hết. Giả sử có nhắm mắt vào thì cũng biết được mình đang đi trên bề mặt đường như thế nào. Kể cả với những người không sử dụng xe thường xuyên, khi họ bước lên và cầm lái BMW, chắc chắn họ cũng nhận ra điều đó.
Anh có thường xuyên sử dụng xe không?
Hồi còn đi chiếc 116i thì không nhiều lắm nhưng đổi sang X6 do tính chất công việc nên tôi sử dụng liên tục. Đến giờ, xe đi được hơn 10 vạn (100.000) km rồi.
Mà lái chiếc xe thấy sướng, lúc nào cũng chỉ thích cầm lái thôi. Thỉnh thoảng có những lần ăn cơm tối xong nghỉ ngơi, hai bố con lại rủ nhau lấy xe ra chạy một vòng cho thoả mãn.
Có nhiều người để ý rằng chủ xe BMW thường xuyên vào xưởng và họ tự cho rằng đó là bởi xe hay bị hỏng vặt. Anh thấy ý kiến đó như thế nào?
Nhiều chủ xe BMW vào xưởng là để độ chứ không phải để sửa. Người chơi BMW ấy, họ máu độ xe lắm, với cả nhiều người họ chăm xe rất cẩn thận nữa.
Tôi có một anh bạn học hồi xưa, hồi đó là năm 2001, cậu ấy được bố mua cho chiếc 3-Series đời E46. Tính đến nay đã gần 20 năm rồi mà cậu ấy vẫn còn dùng chiếc xe đó một cách "ngon lành".
Một cậu bạn khác chơi trong câu lạc bộ BMW đang dùng chiếc M6 Gran Coupe từ năm 2014. Xe chạy đến hơn chục vạn km rồi mà chẳng hỏng vặt gì cả.
Ngay chính chiếc BMW X6 của tôi đây, đi từ năm 2015 đến nay là 5 năm rồi, chạy hơn 10 vạn km, mà có hỏng vặt gì đâu. Những phụ tùng, linh kiện nào cần thay thế thì đúng lịch là tôi thay. Mình thay và chăm đúng thì chiếc xe sẽ hoạt động tốt về lâu dài.
Tôi cho rằng cái việc "hỏng vặt" mà mọi người vẫn kể ấy, là do mua phải xe cũ chất lượng không tốt. Ví dụ có người bán xe, đi 4-5 vạn km nhưng bảo dưỡng không đúng cách, rồi đến đúng cái mốc quan trọng đó, người khác mua lại phải hứng đòn. Đã thế, nhiều người còn mang xe làm ngoài ở nhiều xưởng không tên tuổi, lịch sử bảo dưỡng, sửa chữa không được lưu lại, dò ra lỗi cũng khó.
Anh chọn bảo dưỡng và sửa chữa chính hãng hay tìm một xưởng ngoài với chi phí thấp hơn?
Với những người sử dụng xe đơn thuần, xe vẫn còn đang trong thời gian bảo hành, thì làm dịch vụ chính hãng luôn là tốt nhất chứ. Kể cả khi xe hết bảo hành thì những công việc bảo dưỡng định kỳ vẫn nên vào hãng.
Cái lợi đầu tiên là mọi thông tin chi tiết, lịch sử bảo dưỡng, bảo hành đều được lưu lại để theo dõi. Việc bảo dưỡng sau đó có cái để đối chiếu. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hỏng vặt là bởi đưa xe ra những xưởng ngoài không có uy tín làm, lịch sử không được lưu giữ nên đến kỳ không thể nắm được rằng xe cần bảo dưỡng hay thay thế những gì.
Cái thứ 2 là chất lượng dịch vụ tốt. Những kỹ thuật viên được đào tạo bài bản đều lành nghề và hiểu rõ về chiếc xe. Những người mà ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác đều chỉ làm xe BMW thì chắc chắn sẽ làm tốt hơn những ai mà nhận làm nhiều dòng xe thuộc các thương hiệu khác nhau.
Trong tương lai, anh sẽ gắn bó với thương hiệu này lâu dài chứ hay muốn trải nghiệm thêm các dòng xe thuộc thương hiệu khác?
Chắc chắn sẽ vẫn là BMW.
BMW ngày nay không thiếu một dòng nào, phong phú để lựa chọn. Dòng SUV cỡ lớn nay có X7. Rồi họ có nhiều dòng khác đáp ứng nhiều nhu cầu sử dụng khác nhau, như X2 hay X4 chẳng hạn, đến Coupe, Gran Coupe... đủ cả. Bản thân tôi đã từng đi xem BMW X7 bởi chiếc xe này rộng rãi, phù hợp với nhu cầu gia đình.
Một điều nữa khiến tôi gắn bó với thương hiệu BMW là bởi cộng đồng sử dụng dòng xe này. Trên thế giới, có một cộng đồng lớn người dùng gọi là Bimmerpost. Khoảng cách địa lý không phải là rào cản. Bất cứ ai, dùng dòng xe nào, chỉ cần gặp vấn đề gì, cần hỏi gì sẽ có người trả lời rất nhiệt tình nếu họ biết. Tại Việt Nam, chúng tôi có câu lạc bộ BMW Club. Hoạt động giữa các thành viên ngoài giao lưu, còn có những buổi chia sẻ kiến thức về xe, về kỹ năng lái xe an toàn.
Tôi có một anh bạn thân, quen biết nhau đã hơn 15 năm rồi, và BMW chính là cầu nối kết nối tình bạn ấy. Hồi quen anh ấy, tôi còn chưa có xe. Tôi học bên Pháp, còn anh ấy là một Bimmer tại Việt Nam. Những cuộc trao đổi qua mạng dần khiến chúng tôi thân nhau hơn. Giờ đây, chúng tôi vẫn chơi với nhau và đều là thành viên BMW Club.
Nói như vậy có nghĩa là BMW ngoài tạo ra những chiếc xe tạo ra cảm giác lái tuyệt vời, còn kết nối một cộng đồng người sử dụng yêu và am hiểu về chiếc xe của mình. Đã gắn bó với BMW là khó có thể đổi qua thương hiệu khác.