Nghịch lý các "ông lớn" ô tô Mỹ, Nhật: vừa chậm thay đổi, vừa bị hoài nghi về chất lượng, nguy cơ nhận cái kết đắng từ xe điện Trung Quốc

Toyota, Mitsubishi, Mazda, Ford Motors hay General Motors đều đang thiếu quyết liệt trong việc chạy theo xu hướng xe điện. Sự chậm chân của họ khiến giới chuyên gia thực sự lo ngại.

Ngành công nghiệp ô tô thế giới hiện đang trong giai đoạn chuyển đổi mô hình. Nhiều sự thay đổi đang diễn ra.

Đầu tiên là trào lưu điện hoá. Ngày càng có nhiều thương hiệu ô tô lớn đầu tư mạnh cho xe điện, thậm chí một số hãng còn cam kết loại bỏ hoàn toàn xe hơi chạy bằng nhiên liệu hoá thạch trong tương lai gần, chẳng hạn Bentley, Jaguar, Lotus, Mini và Volvo.

Thứ 2 là sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc ô tô. Từ lâu Trung Quốc đã trở thành quốc gia sản xuất ô tô lớn nhất thế giới nhưng xe hơi Trung Quốc lại chịu tai tiếng về chất lượng thấp và hiếm khi thành công bên ngoài biên giới quốc gia này.

Nhưng điều đó đang thay đổi nhanh chóng. Tại các quốc gia như Úc, Thuỵ Điển, Na Uy, xe của các thương hiệu Trung Quốc như MG3, Polestar 2 đã trở thành một trong những mẫu xe bán chạy nhất thị trường.

2 trào lưu trên cũng có sự kết nối với nhau: Trung Quốc dẫn đầu thế giới về sản xuất xe điện và một chiếc xe điện Trung Quốc là Wuling Hongguang Mini đã vượt Tesla Model 3 để trở thành xe điện bán chạy nhất thế giới hiện nay.

Tóm lại, "mối đe doạ" từ Trung Quốc là hiện hữu. Không phải tất cả các hãng lớn đều đang làm những việc cần thiết để theo kịp Trung Quốc – hay rộng hơn là theo kịp thị trường. Đặc biệt, nhiều nhà sản xuất Nhật Bản và Mỹ, từng đứng top đầu ngành công nghiệp, đang bị bỏ lại phía sau.

Nghịch lý các ông lớn ô tô Mỹ, Nhật: vừa chậm thay đổi, vừa bị hoài nghi về chất lượng, nguy cơ nhận cái kết đắng từ xe điện Trung Quốc  - Ảnh 1.

Toyota Mirai - mẫu xe dùng nhiên liệu hydro cao cấp nhất của hãng xe Nhật Bản. Tuy nhiên đến thời điểm này, có thể thấy xe dùng nhiên liệu hydro không phải xu hướng của tương lai.

Trong đó, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đang cực kỳ miễn cưỡng trong việc theo đuổi xe chạy bằng pin (BEV). Toyota, thương hiệu ô tô lớn nhất thế giới, cũng là người miễn cưỡng nhất. Họ là hãng sáng tạo ra xe hybrid với chiếc Prius nhưng tỏ ra chậm chạp trong thời gian gần đây.

Thậm chí, Toyota đã tích cực vận động Thượng viện Mỹ để làm chậm các chính sách áp dụng với BEV, New York Times đưa tin. Chủ tịch công ty, Aki Toyota cho rằng xe điện đang bị "thổi phồng", theo Wall Street Journal.

Toyota không phải cái tên duy nhất: Nissan, Mitsubishi, Mazda đều tỏ ra chậm chạp trong lĩnh vực BEV mặc dù trước đây họ đều là những "nhà đổi mới" hàng đầu. Chỉ có Honda cam kết dừng sản xuất xe dùng động cơ đốt trong vào năm 2040. Cho đến nay, họ là nhà sản xuất ô tô đầu tiên và duy nhất của Nhật Bản làm điều này.

Câu chuyện tương tự diễn ra với một số nhà sản xuất ô tô Mỹ. Trong khi General Motors đang có kế hoạch với mục tiêu trung hoà carbon vào năm 2040 và Ford châu Âu thông báo toàn bộ xe chở khách (cộng với 2/3 dòng xe thương mại hạng nhẹ) sẽ chạy hoàn toàn bằng điện vào năm 2030 thì Ford Mỹ chưa có động thái cụ thể.

Stellantis, tập đoàn ở hữu thương hiệu Chrysler, đã công bố kế hoạch đầy tham vọng để điện khí hoá 96% sản phẩm tại Mỹ vào năm 2025 nhưng điều đáng chú ý là họ loại trừ 2 thương hiệu Dodge và RAM, vốn sở hữu các mẫu xe "khát" nhiên liệu bậc nhất.

Những mẫu bán tải cỡ lớn, tiêu thụ nhiều nhiên liệu như Chevrolet Silverado, Ford F-Series và RAM 1500 là các mẫu xe bán chạy nhất của các thương hiệu Mỹ. Liệu việc điện khí hoá có thành công khi các mẫu xe bán chạy nhất vẫn sử dụng nhiên liệu hoá thạch. Mặc dù vậy, vẫn có một vài tín hiệu lạc quan với sự xuất hiện của các mẫu bán tải chạy điện như Ford F-150 Lightning và Rivian R1T.

Nghịch lý các ông lớn ô tô Mỹ, Nhật: vừa chậm thay đổi, vừa bị hoài nghi về chất lượng, nguy cơ nhận cái kết đắng từ xe điện Trung Quốc  - Ảnh 2.

Dodge Challenger SRT Demon - mẫu xe sở hữu thiết kế cơ bắp nhưng dùng khung gầm cũ kỹ, khát nhiên liệu rất đặc trưng của người Mỹ.

Lĩnh vực thứ 2 các hãng xe Mỹ và Nhật Bản đang khiến người ta lo ngại khi so với xe Trung Quốc là chất lượng. Xe Mỹ trước đến nay vẫn bị nghi ngờ đôi chút về chất lượng tổng thể nhưng Nhật Bản từng là tiêu chuẩn vàng. Danh tiếng đó đang dần "bay hơi".

Khi các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản chuyển sản xuất ra nước ngoài sang Thái Lan, Mexico và Mỹ, danh tiếng của họ phần nào bị ảnh hưởng. Các thương hiệu Hàn Quốc đã thay thế phần lớn xe Nhật khi nói đến việc sản xuất những chiếc xe có giá phải chăng, chất lượng đáng tin cậy. Họ thậm chí còn chạy theo mô hình của các hãng Nhật Bản khi tạo ra thương hiệu xe sang riêng, chẳng hạn Genesis của Hyundai.

Trong khi đó, chất lượng ô tô Mỹ dính nhiều nghi ngại khi ô tô Mỹ sản xuất tại Trung Quốc có chất lượng tốt hơn tại Mỹ. "Những chiếc Model 3 và Model Y của Tesla được sản xuất tại Mỹ và Trung Quốc. Các chủ xe ở châu Âu nói rằng phiên bản Trung Quốc tốt hơn. Họ nói với tôi rằng số lần phải sửa chữa của xe sản xuất ở Trung Quốc ít hơn", Tom Staey – Giảng viên cao cấp Đại học Anglia Ruskin (Anh) cho biết.

Vậy các hãng xe Nhật Bản và Mỹ cần làm gì nếu muốn tiếp tục dẫn đầu cuộc chơi xe hơi?

Câu trả lời khá đơn giản. Nghiêm túc với xe điện. Đây không phải trào lưu nhất thời mà là tương lai ngành xe hơi.

Thứ 2, họ cần rà soát lại quy trình sản xuất của mình, kiểm tra kỹ chất lượng các mẫu xe xuất xưởng. Họ nên chấp nhận để những chiếc xe xuất xưởng chậm hơn một chút – điều mà họ đã bỏ qua để đẩy nhanh tiến trình sản xuất trong thời gian qua.

Tất nhiên, nói thì dễ hơn làm nhưng thực tế thị trường cơ bản như sau: châu Âu đang tạo ra những chiếc xe thú vị còn Trung Quốc sản xuất tất cả xe điện giá rẻ. Mỹ và Nhật Bản chắc chắn không muốn bị bỏ lại phía sau.

Tham khảo: Dmarge