Chào các bạn! Vài tháng trở lại đây dường như số người quan tâm đến việc lựa chọn xe đạp để đi làm hàng ngày thay cho xe máy đang tăng lên đột biến. Trong số những nguyên nhân khiến xe đạp trở nên hot đến vậy phải kể đến chi phí nhiên liệu (tiền xăng) đã tăng gần 50% kể từ đầu năm đến nay. Những chiếc xe ga đắt tiền ngốn xăng như uống nước càng khiến cho chủ nhân của chúng thấy đau ví mỗi lần đổ xăng.
Không nằm ngoài vòng xoáy đó, tôi cũng đã sắm một chiếc xe đạp để đi làm và đi chơi loanh quanh. Hôm nay chúng ta hãy cùng tính thử xem liệu sau bao lâu thì số tiền xăng mà xe đạp giúp tiết kiệm được sẽ đủ để hoàn vốn (bằng tiền bỏ ra mua xe).
Tình hình tiền xăng
Chiếc xe tôi sử dụng hàng ngày trong 6 năm qua
Hiện nay tôi đang đi xe SH (Honda) với mức tiêu thụ nhiên liệu theo công bố của nhà sản xuất là vào khoảng 2,2 – 2,3 lít/100 km. Con số này gần như bám rất sát với thực tế và không thay đổi mấy trong suốt hơn 6 năm qua.
Mặc dù với một bình xăng đầy thì quãng đường di chuyển đạt hơn 300 km nhưng tôi có thói quen luôn đổ xăng khi chạm mốc 180 km (hoặc quá một chút), và trong hơn 3 năm qua tôi cũng không bao giờ quên ghi lại lịch sử của từng lần đổ xăng.
Từ thống kê cho thấy:
Từ tháng 4/2019 đến tháng 6/2022 (38 tháng) tôi đã chi 10 triệu 389K tiền xăng, tức trung bình mỗi năm là xấp xỉ 2,6 triệu đồng, hay mỗi tháng là 273,4 nghìn đồng. Năm 2021, tôi đã bỏ ra gần 3,3 triệu để mua xăng, và trung bình mỗi tháng là 273,5 nghìn đồng.
Đến năm 2022 này, dù mới chỉ 6 tháng đầu năm thôi mà tôi đã chi hơn 2 triệu tiền xăng, tức là trung bình 347K/tháng, bằng 127% mức trung bình của cả 42 tháng vừa qua. Nếu cứ tiếp tục đà này thì năm 2022 có lẽ tiền xăng hơn 4 triệu là điều khó tránh khỏi.
Lịch trình di chuyển
Sơ đồ 3 điểm đến của tôi mỗi ngày
Từ thứ 2 đến thứ 6 tôi đi làm trong nội thành Hà Nội với chiều đi từ nhà đến cơ quan là 8 km, chiều về tôi đi đón con ở trường cách cơ quan 11 km, rồi từ đó vòng về nhà thêm 4,5 km nữa. Như vậy, nếu không tạt ngang té dọc thì mỗi ngày tôi đi khoảng 23,5 km.
Hành trình bằng xe máy
Chuyển qua xe đạp
Chiếc xe đạp tôi mua mới cộng thêm mớ đồ phụ kiện mũ mão linh tinh mất khoảng 6 triệu. Vì xe đạp không chở thêm được con nên tôi chỉ sử dụng để đi đến cơ quan và đi về. Việc đón con vẫn phải dùng tới xe máy nên mỗi ngày tôi di chuyển bằng xe đạp từ nhà đến cơ quan 8 km, từ cơ quan về nhà 8 km, sau đó lấy xe máy đi đón con với tổng quãng đường đi về là 4,5 * 2 = 9 km.
Hành trình bằng xe đạp xe máy
Tính toán "thô sơ"
Như vậy, xe đạp giúp tôi "tiết kiệm xăng" mỗi ngày được 23,5 – 9 = 14,5 km.
Cứ cho tối đa mỗi tháng tôi đi xe đạp cực siêng là đủ 22 ngày làm việc thì quãng đường sẽ là 14,5 x 22 = 319 km.
Với mức tiêu hao nhiên liệu tính trung bình khoảng 2,25 lít/100 km thì 319 km sẽ tương đương với 7.18 lít xăng A95. Tính theo giá xăng ở kỳ điều chỉnh gần nhất (01/7/2022) là 32,760 đồng/lít thì số tiền tiết kiệm được sẽ xấp xỉ 234,5 nghìn đồng.
Lấy mốc thời gian là 2 năm (24 tháng) thì số tiền xăng tối đa mà tôi tiết kiệm được nhờ việc đi xe đạp sẽ là 234,5 x 24 = 5.628, hay 5 triệu 628 nghìn đồng.
Cũng trong quãng thời gian đó, nếu đem số tiền 6 triệu đồng kia đi gửi ngân hàng với lãi suất 5,6%/năm thì số tiền cả gốc lẫn lãi lĩnh về là 6 triệu 672 nghìn đồng.
Như vậy, phải cố đạp xe thêm gần 5 tháng nữa để lấp đầy khoảng chênh lệch hơn 1 triệu đồng, thế nhưng trong 5 tháng đó thì số tiền lãi ngân hàng lại vẫn tiếp tục tăng.
Để không rơi vào tình trạng nghịch lý Zeno, hay cuộc đua giữa Achilles và con rùa, chúng ta sẽ công nhận kết quả này mà không tính đến trượt giá, lạm phát hay "lãi mẹ đẻ lãi con".
Tổng kết
Trong điều kiện lý tưởng về thể chất, tinh thần cũng như thời tiết cho phép thì sau khoảng gần 2 năm rưỡi thì số tiền xăng tiết kiệm sẽ bù lại được cho số tiền 6 triệu tôi đã bỏ ra mua xe đạp và sắm phụ kiện. Trên thực tế, với bản thân tôi thì chắc chắn con số này là trong mơ, bởi rất nhiều tình huống phát sinh khiến từ lúc mua xe đạp tới giờ tôi chỉ đi làm được căng lắm là 3 buổi/tuần mà thôi, và có khi số tiền xăng tiết kiệm sẽ chẳng bao giờ bù được tiền mua xe đạp và đồ chơi.
Mua xe đạp đi làm để đỡ tiền xăng: ngã ngửa với thời gian hoàn vốn
Ngoài ra, thời gian hoàn vốn này sẽ thay đổi tương ứng tỉ lệ thuận với số tiền mua xe, và tỉ lệ nghịch với quãng đường di chuyển của các bạn. Hay nói cách khác, nếu bạn đi làm càng xa bằng xe đạp thì thời gian hoàn vốn càng ngắn, và xe của bạn càng đắt tiền thì càng lâu để tiền xăng tiết kiệm có thể bù lại được.