Bentley Hunaudieres – Cựu chủ tịch VW Ferdinand Piech là người luôn thúc đẩy các thương hiệu của tập đoàn Đức chế tạo siêu xe nhanh nhất, mạnh nhất. Hunaudieres là một siêu xe 16 xy-lanh tới từ Bentley với nền tảng khung gầm của Lamborghini Diablo (VW khi đó vẫn sở hữu Lamborghini) kết hợp với động cơ W16 6.0L 623 mã lực suýt nữa đã thay thế vị trí của Bugatti Veyron sau này…
Volkswagen W12 Syncro – Khi ra mắt dưới dạng concept tại triển lãm Tokyo 1997, W12 Syncro đã có khả năng vận hành hoàn chỉnh nhờ động cơ W12 414 mã lực đặt giữa. Một năm sau đó phiên bản mui trần dẫn động cầu sau Roadster ra đời rồi tới 2001 là bản Nardo, dù vậy sau này vị trí siêu xe của tập đoàn VW vẫn thuộc về Bugatti với Veyron.
Ford GT90 – Ford trong thập niên 1990 vẫn còn sở hữu Jaguar và nhờ vậy có toàn quyền sử dụng khung gầm XJ220 của thương hiệu Anh Quốc để chế tạo concept GT90. Thay vì động cơ V6 tăng áp của XJ220, Ford gắn vào nền tảng trên động cơ V12 6.0L tăng áp tứ với công suất lên tới 720 mã lực cho phép tăng tốc ước tính từ 0 lên 100 km/h trong 3 giây. Khung thân sợi carbon, vòm bảo vệ làm từ kính chắn cao cấp thay trần xe truyền thống là điểm nhấn của GT90 nhưng cũng là yếu tố khiến xe vô cùng khó hiện thực hóa.
Audi Avus Quattro – Ra mắt vào đầu thập niên 90 (1991), Avus Quattro lấy cảm hứng từ xe đua Auto Union (tiền thân Audi) vào thập niên 30 kết hợp với công nghệ chế tạo nhôm tân tiến của thương hiệu Đức. Khung gầm cũng như thân làm bằng nhôm (phần sau chỉ dày 1,5 mm) giúp trọng lượng xe siêu nhẹ. Kết hợp với động cơ W12 509 mã lực, Avus Quattro có khả năng tăng tốc từ 0 lên 100 km/h chỉ trong 3 giây.
Lamborghini Cala – Lamborghini từng tính chuyện làm siêu xe giá rẻ thay thế vị trí Jalpa (khai tử vào 1988) đối đầu với Ferrari 355. Cala ra mắt tại triển lãm Geneva 1995 sử dụng động cơ V10 395 mã lực là ý tưởng khi đó của thương hiệu Italia. Thiết kế xe do nhà thiết kế huyền thoại Giugiaro từ Italdesign đặt bút. Cala đã cận kề ngày đi vào lắp ráp cho đến khi đổi chủ (sang tên từ Megatech sang VW) vào năm 1998 và vị trí của Cala được thay bằng Gallardo vào 2003.
Mercedes-Benz C112 – Người kế nhiệm trực tiếp của mẫu xe đua C11 Group C 1990, C112 ra mắt tại triển lãm Frankfurt 1991 không hẳn dưới dạng ý tưởng cho tương lai mà giống một phép thử cho phép thương hiệu Đức tìm hiểu khả năng của các công nghệ/trang bị tương lai. Lấy ví dụ, hệ thống treo chủ động Active Body Control sau đó 8 năm được hoàn chỉnh và ứng dụng đại trà, tương tự là công nghệ đánh lái cả 4 bánh, khí động học chủ động, hệ thống kiểm soát áp suất lốp tân tiến, cruise control ứng dụng sóng radar…
BMW Nazca M12 – Thiết kế bởi con trai Giorgetto Giugiaro, BMW Nazca M12 ra mắt vào năm 1991 trang bị động cơ V12 của BMW 850i cho công suất khoảng 300 mã lực nhưng bù lại trọng lượng xe chỉ là 1.100 kg bất chấp kích thước không hề nhỏ: 2 mét rộng, dài hơn 4 mét. Xe chỉ có một chiếc duy nhất được sản xuất hoàn chỉnh theo yêu cầu của Sultan Brunei.
Alfa Romeo Scighera – Cũng do con trai Fabrizio của Giorgetto Giugiaro thiết kế, Scighera hoàn thiện vào năm 1997 trang bị động cơ V6 3.0L danh tiếng của Alfa Romeo nhưng bổ sung công nghệ tăng áp kép đẩy công suất lên hơn 400 mã lực. Italdesign khẳng định sẽ hoàn thiện Scighera làm xe đua nhưng cuối cùng hủy bỏ dự án.
Yamaha OX99-11 – OX99-11 sử dụng động cơ đua F1 của Yamaha nhưng hạ cấp một chút là loại V12 3.5L 400 mã lực cùng số vòng tua tối đa khủng khiếp ở 10.000 rpm. Thương hiệu Nhật sản xuất được 3 xe trước khi cay đắng thừa nhận rằng xe khó lòng bán được với giá dự kiến là 800.000 USD và từ bỏ tham vọng.
Tham khảo: Top Gear