Lần cuối cùng con người được chứng kiến hoạt động đi lại ở vận tốc siêu thanh là nhờ chiếc phi cơ Concorde huyền thoại, hoạt động từ năm 1973 đến 2003. Được trang bị 4 động cơ mạnh mẽ, chiếc máy bay siêu tốc này có thể hoàn tất hành trình từ New York đến London (gần 6.000km) trong chưa đầy 4 giờ. Đây là một kỳ tích của thời đại đó.
Tuy nhiên, sự tốn kém và nguy cơ rủi ro cao của loại máy bay này đã buộc các hãng hàng không phải cho nó nghỉ hưu sau 30 năm phục vụ. Hiện chưa nhà sản xuất nào có thể tái tạo lại những ngày hoàng kim của Concorde, song họ đang không ngừng nỗ lực theo đuổi mục tiêu đó.
Công ty Boom Supersonic có trụ sở tại Denver (Mỹ) đang dẫn đầu lĩnh vực này với máy bay Overture nhanh hơn tốc độ âm thanh. Boom Supersonic đã nhận được hơn 100 đơn đặt hàng từ United Airlines, Japan Airlines và American Airlines.
Tuy nhiên, một số kỹ sư đầy tham vọng khác thậm chí còn muốn chế tạo loại phi cơ bay nhanh hơn nữa, trong đó phải kể đến công ty khởi nghiệp Destinus ở châu Âu, Hermeus ở Georgia và Venus Aerospace ở Mỹ. Tất cả đều đang phát triển máy bay siêu vượt âm.
Đặc biệt, Venus Aerospace chỉ mới được thành lập vào năm 2020 nhưng đã mạnh dạn theo đuổi kế hoạch lớn cho những chuyến du hành trên không ở tốc độ Mach 9, hay gấp 9 lần tốc độ âm thanh.
Hai người đồng sáng lập công ty này là Giám đốc điều hành Sassie Duggleby và Giám đốc công nghệ Andrew Duggleby đã tiết lộ tại Triển lãm hàng không Paris hồi tháng 6 rằng chiếc máy bay siêu vượt âm của họ sẽ được đặt tên là "Stargazer".
Theo Venus, chiếc máy bay chở khách siêu vượt âm của họ đang được phát triển để đạt tốc độ Mach 9. Điều đó tương đương với khoảng 8.000km/h. Theo đó, Stargazer có thể bay từ San Francisco đến Tokyo (8.200km) chỉ trong 1 giờ – nhanh hơn 11 lần so với thời gian bay hiện nay.
Để so sánh, tốc độ bay của Concorde xấp xỉ Mach 2, Overture đang được chế tạo với tốc độ Mach 1,7, còn Hermus và Destinus đang thiết kế máy bay siêu thanh với tốc độ Mach 5.
Giám đốc Andrew Duggleby tự tin họ sẽ đạt được thành tựu bay khắp thế giới trong vòng 1 giờ nhờ sự kết hợp giữa động cơ phản lực và động cơ tên lửa.
Ông giải thích rằng Stargazer sẽ cất cánh bằng động cơ phản lực truyền thống. Một khi cách xa trung tâm thành phố, nó sẽ chuyển sang động cơ tên lửa để leo lên độ cao 52.000 mét và đạt đến vận tốc siêu vượt âm.
Độ cao đáng kinh ngạc này cao gấp 4 lần so với máy bay động cơ phản lực truyền thống bay. Ở độ cao như vậy, hành khách có thể nhìn thấy đường cong của bề mặt Trái đất cùng với màn đêm của vũ trụ bao la.
Hai nhà sáng lập Venus Aerospace dự kiến máy bay Stargaze có thể chở tối đa 12 hành khách. Họ mong muốn giá vé sẽ chỉ ngang bằng khoang hạng nhất của các hãng hàng không thương mại khác. Song, các chuyên gia khác tin rằng giá vé của máy bay siêu vượt âm sẽ đắt gấp 2 - 5 lần vé máy bay bình thường.
Đáng chú ý, một vé Concorde thông thường có giá 6.000 USD một chiều vào cuối những năm 1990. Khách hàng sử dụng Concorde thường xuyên nhất là ông Fred Finn, người đã bay trên chiếc máy bay siêu thanh này 718 lần và đã chi hơn 2,5 triệu USD (tương đương khoảng 4,4 triệu USD ngày nay) cho đến khi chiếc máy bay này ngừng hoạt động vào năm 2003.
Không chỉ có vậy, mục tiêu đầy tham vọng mang tên Stargazer sẽ là một thử thách to lớn và đòi hỏi Venus phải xây dựng dựa trên các thành tựu công nghệ hàng không đã được chứng minh, cũng như phát triển những công nghệ mới, chẳng hạn như "động cơ tên lửa nổ xoay sử dụng nhiên liệu lỏng đầu tiên trên thế giới" hay còn gọi là RDRE.
Giám đốc Andrew Duggleby cho biết RDRE tạo ra nhiều nhiệt độ và áp suất lớn hơn so với các động cơ tên lửa truyền thống vì RDRE đốt cháy nhanh hơn, tạo ra lực đẩy hiệu quả hơn trong khi lại sử dụng ít nhiên liệu hơn.
Tháng 10 năm ngoái, Venus đã trở thành công ty đầu tiên trên thế giới thiết kế "nhiên liệu lỏng có thể lưu trữ ở nhiệt độ phòng" để vận hành trong RDRE. "Chúng tôi hiện có cả kiến thức kỹ thuật và kỹ thuật để hoàn toàn tiến tới các bước phát triển và thử nghiệm chuyến bay tiếp theo”, ông Andrew cho biết vào thời điểm đó.