Bỏ tiền cho những chuyến ngao du dường như chẳng bao giờ là lỗ. Không chỉ những món quà lưu niệm hay loạt ảnh đẹp để khoe với bạn bè, những chuyến đi đúng nghĩa còn mang về cho chủ nhân của nó 1001 trải nghiệm đáng nhớ, những bài học khắc ghi trong đời.
Vậy những trái tim yêu xê dịch đã LÃI gì sau mỗi chuyến đi? Cùng theo dõi series Du Lịch Lãi để lắng nghe, khám phá và được truyền cảm hứng qua lăng kính cởi mở và đầy sắc màu.
Nhiều người thường nghĩ, những chuyến du lịch, phiêu lưu là "quyền" của riêng thời tuổi trẻ, thời độc thân còn khi kết hôn và có con cái, nhiều ràng buộc gia đình và công việc, họ sẽ khó có thể rong ruổi trên những cung đường như trước.
Thế nhưng, vẫn có một số người may mắn được tận hưởng nhiều chuyến đi cùng gia đình - dù vẫn đi làm, nhờ có điều kiện sống vốn đã khá giả, hoặc do họ đã quyết tâm chọn lối sống như thế.
Dưới đây là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Thu Trang, 38 tuổi, hiện đang sinh sống tại Nha Trang và làm việc tại 1 công ty nước ngoài. Đằng sau chuyện "tốn hơn 1 tỷ đồng" thì ra cũng là rất nhiều mối quan tâm mà một người có gia đình, làm cha làm mẹ nào cũng quan tâm.
Chi phí đi du lịch cộng lại "lỗ" hơn 1 tỷ đồng
Quê nội của Trang ở ngoài Bắc, còn mẹ lại ở Nha Trang, chính vì thế, chị đã quá quen với việc đi đi lại lại giữa Nha Trang và Hà Nội, và có thể "máu xê dịch" của Trang hình thành từ tuổi thơ như thế. Cách đây 13 năm, mẹ Trang lại sang Áo định cư, nên chị lại càng có cơ hội được thỏa mãn thú vui xê dịch của mình, rộng ra nhiều nước trên thế giới.
Trang tâm sự, chị như bị "thôi miên" bởi những chuyến đi, càng đi lại càng thấy cuộc sống thú vị, đáng yêu, đáng sống, học hỏi được nhiều điều.
Đối với Trang, đi du lịch là đam mê, là lựa chọn của chị.
Trang nói chị biết rằng mình rất may mắn vì gia đình nội ngoại 2 bên đều khá giả nên vợ chồng chị không có gánh nặng tài chính gì, không phải lo cho ai mà cũng không có khoản nợ nần nào cần thanh toán nên mới có thể đi du lịch thoải mái như vậy.
Trang tiết lộ, nếu tính tất cả chi phí các chuyến đi du lịch ở nước ngoài cũng như trong nước của gia đình chị, đến lúc này chắc chắn con số đã vượt quá 1 tỷ! Với nhiều người, hẳn nhiên đó là một số tiền rất lớn, để làm những việc lớn của một gia đình như mua nhà, mua xe, hoặc mua vàng bạc tích trữ, nhưng Trang lại muốn dùng nó để mua trải nghiệm, và được cùng những người thân yêu tạo nên kỷ niệm. Với Trang, đó là thứ đáng giá nhất.
Cho tới nay, Trang đã đi qua rất nhiều quốc gia, từ châu Á như Thái Lan, Malaysia, đến Singapore, Myanmar, Ấn Độ, cho tới các nước châu Âu như Áo, Ý, Đức...
"Lãi" quá nhiều từ các chuyến đi
Trang có một cô con gái nay bé lên 8 tuổi tên là Lan Chi (tên ở nhà là Sóc). Như bao bà mẹ khác, Trang cũng mong muốn con gái có được những trải nghiệm tuyệt vời giống như mình nên đã không ngần ngại vác Sóc đi khắp muôn nơi.
Từ khi được 8 tháng, Sóc đã được ngồi máy bay bay suốt từ Nam ra Bắc, với đủ các hành trình trải dài khắp đất nước Việt Nam, từ về thăm quê bố Sóc ở thành phố Hồ Chí Minh, đi chơi ở các tỉnh sông nước miền Tây, rồi đi qua các danh lam thắng cảnh miền Trung, về thăm quê ngoại của mẹ, hay đặt chân tới những tỉnh miền núi phía Bắc.
Vào năm 2018, khi lên 4 tuổi, Sóc lần đầu được bố mẹ cho đi nước ngoài, khám phá đất nước Chùa Vàng Thái Lan. Thấy con gái yêu thích và rất hợp với việc du lịch, Trang và Đen - ông xã tiếp tục tặng cho con gái 1 chuyến đi tới Malaysia - Singapore trong 1 tuần vào tháng 2/2019 vào đúng dịp sinh nhật con.
Trang tâm sự, hồi đầu, sợ con nhỏ không ăn được đồ nước ngoài, chị đã mang thức ăn riêng ở nhà đi, nhưng hóa ra mọi lo lắng này là thừa, Sóc không hề "kén cá chọn canh" chút nào, mà còn thoải mái nếm thử tất cả món ăn của các địa phương họ đặt chân đến, đến mức mẹ Trang cũng phải ngạc nhiên.
Không chỉ có vậy, trong các chuyến đi, Sóc còn rất ngoan ngoãn và hợp tác với bố mẹ, chẳng hề biết mè nheo, khóc lóc là gì, lại vô cùng tự lập, cứ nói sắp được đi đâu là tự động xếp đồ vào ba lô như người lớn.
Trang cho biết, sau mỗi chuyến đi, chị thấy con gái trưởng thành hơn, mạnh dạn hơn, và thoải mái chia sẻ những điều lạ lẫm mà bé được thấy ở nước ngoài với bạn bè. Đặc biệt, đi du lịch, Sóc được bố mẹ dạy những bài học trực quan nhất về sự văn minh lịch sự, ví dụ như không khạc nhổ hay vứt rác bừa bãi hay phải nói chuyện nhỏ nhẹ nơi công cộng.
Có một lần, cô giáo của Sóc đã rất ngạc nhiên khi Sóc biết ở Singapore không được ăn kẹo cao su, hút thuốc và vứt rác bừa bãi nơi công cộng. Cô bé cũng rất có ý thức tiết kiệm nước vì "ở Singapore nước mắc (đắt) lắm".
Trang chia sẻ: "Đứng ở vị trí xa thì cái nhìn của chúng ta sẽ bao quát hơn. Con càng đi nhiều thì tư duy và cái nhìn của con sẽ không bị bó hẹp trong phạm vi một thành phố hay một quốc gia".
Bà mẹ một con này cũng tâm sự, một trong những điểm đến để lại trong chị nhiều cảm xúc nhất chính là chuyến đi đến Myanmar - mảnh đất của những ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng vào tháng 10 năm 2019.
Trang kể, nếu đọc qua sách báo, sẽ không thể thấy được vẻ đẹp kỳ vĩ và tráng lệ của những thành cổ ở Bagan vài ngàn năm tuổi, rồi trên các con đường đất, cứ vài trăm mét lại có những cái ang nước đựng nước sạch cho người đi đường uống, hay ở bất kỳ ngôi đền chùa nào ven đường, ai vào cũng đi chân đất dù ko có ai đứng cạnh canh gác hay nhắc nhở. Người bản địa ở đây tôn sùng Phật giáo từ trong tim, có tâm hồn hồn hậu, chân chất. Đến những nơi như vậy, tự khắc con trẻ cũng sẽ có cho những bài học quý giá trong giao tiếp, ứng xử một cách tự nhiên, không gò ép.
Myanmar là 1 trong những điểm đến ấn tượng nhất đối với gia đình Trang.
"Cái lãi của du lịch tự túc gia đình là sẽ có chung kỷ niệm, chung niềm vui, chung cảm xúc, và gắn kết. Chúng mình đã cùng có những bức ảnh rất đẹp, cũng có những bức rất 'khó đỡ'. Đó đều là những khoảnh khắc gia đình đáng nhớ. Những món cùng nhau ăn lần đầu tiên, những lần lạc đường cùng nhau, những lần cùng chứng kiến một điều gì đó xúc động, tất cả đều vô cùng quý giá và sẽ là những hành trang tuyệt vời và lành mạnh nhất cho Sóc vững bước vào đời", Trang khẳng định.
Chưa hết, Trang kể rằng nhờ đi du lịch mà cả nhà cũng học được nhiều kỹ năng "sinh tồn", ví dụ xem Google Map, xem bản đồ giao thông các quốc gia, cách tính toán chi phí hiệu quả để đi chơi tự túc rẻ hơn đi tour hay sự ứng phó trong những tình huống không thể dự đoán trước...
Và một trong những điều đặc biệt nhất Trang tin rằng sẽ khiến nhiều người bất ngờ, nhưng thật ra lại có lý của nó, đó là du lịch giúp tăng giá trị của bản thân, từ đó... cải thiện thu nhập.
Trang cho biết, trước khi chọn lối sống tăng cường thời gian "dắt díu" gia đình đi du lịch, chị làm ở một công ty với mức lương chỉ khoảng 12 triệu. Nhưng sau đó nhờ đi nhiều, tầm nhìn thay đổi, Trang đã biết rằng mình cần cải thiện kỹ năng và tri thức gì, và biết cách chủ động tìm kiếm các cơ hội mới. Giờ đây, mức lương của Trang ở nơi làm việc đã tăng gấp 3 lần trước kia!
"Lúc bắt đầu đi, lương mình có 12 triệu thôi, nhưng đến giờ đã hơn 30 triệu, chưa kể tiền thưởng. Vì sau khi đi về, tầm hiểu biết của mình đã được nâng lên, mình đã tìm các cơ hội để thử thách, và chọn được một công việc có đãi ngộ cao hơn", Trang hào hứng kể.
Tháng 7 sắp tới, cô cùng gia đình sẽ có một chuyến đi Châu Âu kéo dài 40 ngày qua các nước Áo, Thụy Sĩ, Hà Lan, Pháp, Ý, Croatia. Nhiều người hỏi Trang là nghỉ việc hơn 1 tháng như vậy có ổn không? Liệu sếp có "lăn tăn" không hay có nguy cơ mất việc không?
Trang thường trả lời: "Sếp mình không hề khó khăn gì, vì mình xin nghỉ 1 tháng đi du lịch nhưng 11 tháng còn lại đã làm việc rất chăm chỉ, đạt kết quả ngoài mức mong đợi. Do đó, sếp và các thành viên trong team tình nguyện làm thay những công việc đột xuất trong thời gian mình cùng gia đình đi xả hơi".
Đi để kết nối với gia đình nhiều hơn, học hỏi được nhiều hơn, hạnh phúc hơn, gia tăng sự tự tin cũng như giá trị của bản thân và có nhiều cơ hội tốt hơn trong nghề nghiệp, có thể nói có quá nhiều cái "lãi" mà du lịch đã mang đến cho Thu Trang và gia đình.
(Ghi theo lời kể của nhân vật)