Tiết kiệm tiền triệu 1 tháng nhờ đổi phương tiện di chuyển
"Mình vừa đổi xe ga được 3 tháng thì giá xăng tăng liên tiếp. Sau 1 tuần đắn đo, mình quyết định đổi sang xe điện để di chuyển. Và bây giờ, mình tiết kiệm được khoảng 800k đến 1 triệu/tháng cho tiền xăng xe và cũng không còn rơi vào cảnh "lỡ" tay tiêu hết tiền tiết kiệm nữa." - Hồ Hải Yến (23 tuổi, nhân viên ngân hàng tại Hà Nội) chia sẻ.
Khoảng cách từ nhà đến công ty khá xa, cả đi cả về là 20km, chưa kể hôm nào muốn đi chơi hoặc về quê thì quãng đường này sẽ còn tăng lên - điều đó cũng đồng nghĩa sẽ tốn nhiều xăng hơn, lạm vào khoản chi tiêu sinh hoạt hàng tháng nằm trong kế hoạch của Hải Yến. Đây cũng chính là lý do khiến cô quyết định đổi sang xe điện.
"Âm" tiền xăng xe nên tiêu hết cả khoản tiết kiệm
Tiền xăng xe 1 tháng không nhiều, nhưng nếu lỡ may tiêu vào số tiền dành cho khoản chi khác thì rất có thể, bạn sẽ rơi vào tình trạng "âm" tiền lúc nào không hay. Ảnh minh hoạ.
"Thu nhập mỗi tháng của mình là 15 triệu. Sau khi tiết kiệm 4 triệu, gửi bố mẹ 3 triệu thì trung bình mỗi tháng mình dự tính sẽ chi 8 triệu đồng cho cá nhân bao gồm: 1,5 triệu cho phí sinh hoạt (như: tiền điện, tiền nước, tiền dịch vụ, internet, xăng xe, điện thoại); 2,5 triệu đồng tiền thuê nhà và 3 triệu đồng cho tiền ăn còn 1 triệu để chi cho 1 số khoản phát sinh như: đi tiệc, đám cưới hoặc mua quần áo...
Như các tháng trước khi giá xăng chưa tăng, mình bỏ ra 400k/tháng cho khoản này. Thế nhưng, vào thời điểm trước khi mình quyết định đổi sang xe điện thì chiếc xe cũ đã ngốn của mình tới 800k đến 1 triệu đồng/tháng. Như vậy có nghĩa là mình chỉ còn khoảng 600-800k/tháng cho tất cả các khoản phí sinh hoạt còn lại. Sau khoảng 2 tháng, tháng nào mình cũng bị tiêu vào tiền tiết kiệm.
Rồi cũng vì đã tiêu vào tiền tiết kiệm nên từ suy nghĩ chỉ cần rút 1 khoản vừa đủ để bù vào thôi lại chuyển sang tiêu hết tiền tiết kiệm của tháng đó từ lúc nào không biết. Chính điều này là nguyên nhân dẫn mình tới quyết định đổi phương tiện di chuyển." - Hải Yến nói thêm.
Đúng là, tiền xăng xe 1 tháng có thể không nhiều, nhưng nếu lỡ may tiêu vào số tiền dành cho khoản chi khác thì rất có thể, bạn sẽ rơi vào tình trạng "âm" tiền lúc nào không hay.
Đổi sang phương tiện công cộng để tiết kiệm xăng xe lại có thêm thời gian nghỉ ngơi
Đồng quan điểm và cảnh ngộ, bạn Hằng Trần (27 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cũng ở cách công ty khá xa, đường tắc trong khi tính chất công việc phải di chuyển nhiều nên việc đi lại mỗi ngày đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tốn kém. Vì thế, Hằng quyết định chuyển sang sử dụng bus điện.
Ngay trong khu Hằng ở có bus điện nên cô đã sử dụng phương tiện này để di chuyển mỗi ngày. Ảnh: NVCC
Hằng tiết lộ, kể từ lúc xăng tăng giá, trung bình mỗi tuần cô phải đổ 400-500k tiền xăng. Tính tổng 1 tháng sẽ là khoảng 1,6 - 2 triệu đồng. Trong khi đó, nếu đi bus điện thì mỗi tháng Hằng chỉ phải chi 200k, tiết kiệm tới 10 lần.
"Thời gian đầu sử dụng xe bus, mình cũng thấy khá bất tiện vì mỗi lần muốn đi đâu đó đều phải tính toán kĩ lưỡng về mặt thời gian để không bị lỡ chuyến. Đấy là chưa kể mình phải dậy sớm hơn so với bình thường do không chủ động được và quãng đường đi bộ cũng nhiều hơn so với việc sử dụng xe máy.
Thế nhưng, sau đó mình điều chỉnh lại. Thời gian ngồi trên xe mình tranh thủ lập thêm kế hoạch trong ngày hoặc xử lý 1 số công việc nhỏ, nghe podcast thư giãn trước khi bắt đầu ngày mới... Đến thời điểm này mình cũng đã quen với việc đi bộ mỗi ngày và thấy vui khỏe hơn rất nhiều. Duy nhất chỉ có 1 điểm trừ là rơi vào đúng mùa hè nên đi bộ cũng hơi cực xíu. Nhưng mà nghĩ đến mục tiêu tài chính trong năm là mình lại có thêm động lực", Hằng chia sẻ.
Nhà gần nên chuyển sang đi xe đạp
Không mất nhiều thời gian để đắn đo, Thanh Mai (26 tuổi, Hà Nội) lựa chọn chuyển sang xe đạp để đi làm mỗi ngày do nhà gần công ty.
"Trước đây, mình từng du học ở Nga và đi bộ/đi xe đạp mỗi ngày khá nhiều. Thế nên việc chuyển sang đi lại bằng xe đạp với mình không có vấn đề gì cả.
Mình cũng thích cảm giác mỗi sáng thảnh thơi đạp xe đến công ty, ghé qua quán lấy cốc cà phê và 1 chút hoa tươi rồi mang đi làm. Việc được vận động mỗi sáng sớm như kiểu giúp mình tiết ra dopamine - hormone hạnh phúc vậy đó.
Chưa kể mỗi tháng lại tiết kiệm được kha khá nên kể từ lúc thay đổi phương tiện di chuyển mình thấy vui hơn chứ không có cảm giác khó chịu gì cả." - Thanh Mai cho biết.
Khoảng cách từ nhà đến công ty gần nên giá xăng tăng hầu như không ảnh hưởng quá nhiều đến Mai. Thế nhưng cô nàng vẫn quyết định chuyển sang đi xe đạp để tranh thủ thời gian vận động mỗi ngày, giúp Mai thấy vui vẻ hơn. Ảnh: NVCC
Chị em tìm cách tiết kiệm chi tiêu trong thời kì "bão giá" nhưng vẫn quan tâm chất lượng sống
Trước tình trạng xăng tăng, có lẽ những người làm nghề dịch vụ vận chuyển, thường xuyên sử dụng nhiên liệu cho phương tiện di chuyển là đối tượng ảnh hưởng nặng nề nhất.
Thế nhưng, xăng tăng thì cũng kéo theo nhiều mặt hàng thiết yếu tăng theo, nhiều chị em công sở khác cũng bị ảnh hưởng rất nhiều và đang có sự chuyển dịch nhất định trong cách chi tiêu hằng ngày để đối phó với "bão giá".
Xăng tăng giá, chị em tìm cách tiết kiệm chi tiêu
Là "tay hòm chìa khoá" của gia đình, nhiều chị em đau đầu không kém với bài toán chi tiêu khi giá xăng, dầu tăng mạnh trong thời gian qua. Có thể thấy, xu hướng đi làm bằng các phương tiện công cộng, xe đạp hoặc xe điện đang là "điểm sáng" nổi bật để giải quyết một số vấn nạn như ô nhiễm môi trường và thiết thực nhất là tình hình giá xăng dầu đang "leo thang".
Bằng cách lựa chọn này, có thể mỗi người chỉ tiết kiệm được khoảng 500-800k/tháng (đối với những người đi xe máy) và khoảng 2-3 triệu đồng/tháng (đối với những người đi ô tô) nhưng trong thời kì cần phải cân nhắc từng đồng, đây có lẽ vẫn là điều khiến các chị em nội trợ có thể lạc quan hơn giữa bão giá.
Tuy có không ít người cũng tỏ ra lo ngại khi hạ tầng giao thông thành phố vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều người hiện nay. Nhưng gánh nặng về chi phí sinh hoạt gia đình khiến họ chật vật nhiều hơn nên sau khi đặt lên bàn cân, chuyển đổi phương tiện đi lại có lẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu của nhiều người làm công sở trong thời kỳ giá xăng đã vượt 32.000 đồng/lít.
Lý giải cho điều này, nhiều người cũng cho rằng, việc chuyển đổi sang sử dụng xe máy điện hoặc xe đạp điện sẽ góp phần bảo vệ môi trường. Trong khi đó, đi làm bằng xe đạp còn giúp tăng cường và rèn luyện sức khỏe - đây cũng là mối quan tâm lớn sau đại dịch của mọi người.
Giá xăng tăng mạnh, người dân mách nhau cách tiết kiệm từng đồng để có thể đảm bảo chất lượng cuộc sống ở mức tốt nhất. Ảnh minh hoạ
Từ 15h ngày 13/6, mỗi lít xăng tăng 800-880 đồng trong khi dầu tăng hơn 2.000 đồng và thiết lập mức cao nhất từ trước đến nay.
Đây là lần tăng giá thứ sáu liên tiếp kể từ ngày 21/4 đến thời điểm hiện tại. Tổng cộng, xăng RON 95-III đắt thêm 5.060 đồng mỗi lít, còn E5 RON 92 thêm 4.640 đồng.