Tính từ thời điểm đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 12 kỳ tăng giá trong tổng số 15 kỳ điều hành. Đặc biệt, từ 15h ngày 13/6/2022, giá xăng lập kỷ lục ở mức hơn 32.000 đồng/lít.
Là một quốc gia với số lượng phương tiện cá nhân lớn, trong đó chủ yếu là xe máy, thì việc giá xăng tăng liên tiếp khiến người dân như "ngồi trên đống lửa".
"Chạy xe mà lòng đau như cắt"
Trước đây, khi xăng ở mức bình ổn hoặc có tăng nhưng không đáng kể, giá xăng họa chăng chỉ là câu chuyện được người ta vô tình nhắc tới khi "trà dư tửu hậu".
Nhưng ở thời điểm hiện tại, dòng người ùn ùn kéo đến trạm xăng trước mỗi kỳ điều hành đã không phải là câu chuyện lạ. Và cái nhíu mày của người đổ xăng ngày càng sâu khi mở ví thanh toán cho số xăng vừa đổ vào bình.
"Chạy xe lòng đau như cắt." - câu nói của Trung Quân (Quận Bình Tân, TP.HCM) đã nói lên nỗi lòng của khá nhiều người ở thời điểm hiện tại. Mặc dù vậy, nhưng Quân vẫn ưu tiên sử dụng xe máy là phương tiện đi lại mỗi ngày bởi sự tiện lợi của nó - "Mình vẫn sử dụng xe máy để tiện hơn cho di chuyển. Có những công việc đột xuất thì mình dễ đi lại. Xe bus thì có tuyến qua, tuyến không qua điểm đến."
Trung Quân (Quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết bản thân vẫn thường sử dụng xe máy dù giá xăng tăng cao
Tuy nhiên, cậu bạn cũng cho hay bản thân trong thời gian này cũng đã hạn chế đi lại, chủ yếu sử dụng xe máy để đi học.
Không chỉ Quân mà có khá nhiều người dù biết giá xăng tăng cao nhưng vẫn buộc sử dụng xe máy bởi tính chất đặc thù của công việc. Cô Đoàn Như Thảo (Quận 1, TP.HCM) cho biết bản thân chỉ đi ra chợ nên thường đi bộ nhưng chồng cô Thảo vốn là nhân viên giao hàng nên buộc phải sử dụng xe máy hằng ngày để di chuyển liên tục đến nhiều vị trí khác nhau.
Bạn Ngọc Mỹ (Quận 12, TP.HCM) cũng cho hay bản thân hằng ngày vẫn phải di chuyển một khoảng cách khá xa - khoảng 20km từ nhà đến trường bằng xe máy. Với quãng đường dài như vậy, dù tiền xăng có "đội" lên cao thì sử dụng xe máy cũng là biện pháp phù hợp nhất với những bạn trẻ như Ngọc Mỹ.
Cân đo từng giọt xăng
Bên cạnh đó, cũng có khá nhiều người đã mở rộng lựa chọn của mình đến nhiều phương tiện di chuyển khác và thậm chí là cả đi bộ. Nhiều người khác lại lựa chọn phương án 50:50 - chia đôi thời gian sử dụng xe máy trong tuần cho những phương tiện khác.
Tấn Lộc, (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) vui vẻ chia sẻ: "Từ hồi giá xăng tăng cao, từ 29.000 VNĐ đến thời điểm hiện tại là hơn 30.000 VNĐ, mình cũng thay đổi phương án di chuyển một chút. Thay vì đi xe máy nguyên 1 tuần thì 3 ngày mình sử dụng phương tiện công cộng là xe bus, 4 ngày còn lại đi xe máy."
Dù có nhiều bất tiện như đi xe bus phải chịu khó dậy sớm hơn, không được đến tận nơi mình muốn mà phải đi bộ nhưng bù lại, việc di chuyển bằng xe bus cũng đã giúp Tấn Lộc tiết kiệm một khoản chi phí so với hoàn toàn sử dụng xe máy như trước đây.
Nhiều người lựa chọn xe bus là phương tiện di chuyển
Ông Trí Dũng (Quận 1. TP.HCM) cho biết gần đây bản thân cũng đã thay đổi thói quen sang sử dụng xe đạp làm phương tiện di chuyển, nếu quãng đường xa mới di chuyển bằng xe máy: "Xăng lên mình sốt ruột chứ, bà xã cũng nói nhiều. Hiện tại thay vì tiền đổ xăng 3 ngày/lần thì mình dùng tiền đó vào việc khác."
Di chuyển bằng xe đạp mang lại khá nhiều lợi ích, không chỉ về mặt kinh tế mà còn liên quan đến sức khỏe và mang lại ảnh hưởng hưởng tích cực đến môi trường. Nhật Minh (quận 7, TP.HCM) chia sẻ 3 ưu điểm của xe đạp: "Một là tiện cho mình hơn xe bus, có thể đến bất cứ điểm nào mà không cần đi bộ. Thứ 2 là xe đạp giảm chi phí tiền xăng. Hơn nữa, đi xe đạp còn giúp bảo vệ môi trường và giảm khí thải."
Có lẽ khó khăn lớn nhất với những người di chuyển bằng xe đạp là tốn khá nhiều sức lực nếu phải di chuyển trên một quãng đường dài, cùng với đó, thời gian di chuyển cũng lâu hơn nhiều so với những phương tiện khác. Chính vì vậy, những người đi xe đạp thường tìm cách hạn chế tối đa thời gian đi trên đường.
Thanh Mai (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho hay bản thân khi lựa chọn đi xe đạp thường hạn chế đi lại nhiều lần trong một ngày. Nếu đi một chuyến ra ngoài thì sẽ đi nhiều địa điểm khác trên tuyến đường chứ không vòng lại nhiều lần. Tương tự, chị Nguyễn Xuân (quận Bình Thạnh) khi nhận lời mời đi chơi của bạn bè cũng đưa ra những lựa chọn, nếu sắp xếp đạp xe được qua thì sẽ đến.
Rõ ràng có thể thấy, việc giá xăng dầu tăng trong thời gian qua, tưởng chừng rất nhỏ nhưng cũng từng chút thay đổi cuộc sống, thói quen sinh hoạt của mỗi người dân. "Cuộc chiến" về giá cả vẫn là vấn đề căng thẳng dành cho mỗi người, đặc biệt lại càng nan giả với những lao động thu nhập khiêm tốn.
Clip: Xoay sở trong thời kỳ giá xăng tăng