“10 năm trước, nhiều đứa bạn ở trường cấp 3 Minh Khai, Sài Gòn có điều kiện để chạy những chiếc xe đạp hay xe điện rất tốt. Còn tôi được ba chế cho 1 chiếc xe vốn là đồ cũ của ông để chạy đi học. Dù bị quê với chiếc xe cũ đó nhưng đi mãi cũng thành quen. Dần dà, tôi nhận ra nó rất là tốt.
Việc đó sau này đã dạy cho tôi 1 bài học: Không được quên mình xuất phát như thế nào (Don’t forget where you came from)”, Nguyễn Vĩnh Hưng (sinh năm 1995), con trai kỹ sư Nguyễn Vĩnh Sơn, nhớ về một sáng chế thú vị của ba dành cho mình.
Ông Sơn chính là người đã lên Shark Tank gọi vốn với tuyên bố: "Tôi muốn cả thế giới biết Việt Nam là ai!" . Hiện ông đang là chủ tiệm sửa xe với doanh thu 4 tỷ đồng/ năm, lên chương trình gọi vốn nhưng… không cần vốn, chỉ cần người đồng hành đưa những sáng chế vươn ra thế giới.
Hai cha con xuất hiện trong chương trình gọi vốn
Màn gọi vốn đã khép lại, nhưng công chúng vẫn tò mò về cuộc sống của một gia đình làm nghề sửa xe có doanh thu cao ngất đủ sức cho con du học trường Mỹ và chân dung một ông bố lúc nào cũng dồi dào năng lượng sáng chế trong mắt các con, là như thế nào?
Ông Nguyễn Vĩnh Sơn - Kỹ sư, nhà sáng chế, đồng thời là Ủy viên Ban sáng lập Hội Sáng Chế Việt Nam
Vĩnh Hưng, con trai đầu của ông Sơn
“Tôi từng không có thiện cảm với ba”
Vĩnh Hưng nói thẳng tuột như vậy khi kể về tuổi thơ của một cậu bé có ba nhà sáng chế. Hưng giải thích thêm: “Ba tôi mê công việc, nên với 1 đứa trẻ như tôi hồi nhỏ thì tôi không có thiện cảm lắm với chuyện đó.
Lúc nhỏ, tôi cũng không tự giác học tốt, nên ba mẹ vừa tạo mọi điều kiện vừa phải canh chừng để tôi không trốn học đi chơi. Tôi không ngờ dù không thích một ông ba mê việc nhưng cái tính cần mẫn và đam mê của ông lại ngấm vào tôi lúc nào không hay.
Sau này khi tôi phát hiện mình thích kiến trúc, tôi mang hết tố chất di truyền từ ba vào việc học, việc làm và thấy rất hiệu quả".
Ngoài việc được ba chế cho chiếc xe đạp cũ để đến trường, Hưng còn ấn tượng một sáng tạo khác của ông Sơn. Lúc còn nhỏ, em trai cậu có một lần ngã đập mặt vô cạnh cầu thang, vết sẹo ấy giờ vẫn còn trên trán. Ba liền lấy mút bao hết tất cả cạnh cầu thang lại, để em trai không còn gặp nguy hiểm nếu lỡ trượt chân.
“ ‘Món đồ’ ấy đối với tôi rất thú vị. Có thể người cha nào cũng sẽ là 1 nhà sáng chế khi tình thương con trỗi dậy. Ba cũng chế nhiều thứ khác quanh nhà, có cái hư có cái xài tốt, nhưng tôi nể ba vì ông không ngại thử”, Hưng chia sẻ.
Cũng như bao cậu trai khác, trong suốt quá trình lớn lên, Hưng có khá nhiều bất đồng quan điểm với ông Sơn. Cậu giải thích rằng mâu thuẫn một phần vì ba mình quá đam mê công việc, một phần là ông sống quá tiết kiệm.
Cậu bắt đầu hiểu ba mình hơn khi bước vào độ tuổi trưởng thành và xa nhà du học.
“Tôi không ngờ rằng, tôi có tiền để đi du học Mỹ và thực hiện ước mơ của mình là nhờ 2 điểm bất đồng đó với ba: đam mê công việc - lối sống tiết kiệm. Sau này, tôi đã không còn những suy nghĩ tiêu cực về ba nữa. Hai cha con thường xuyên trò chuyện tâm sự với nhau nhiều hơn mặc dù chỉ là qua điện thoại”, cậu ngẫm nghĩ.
Hưng tốt nghiệp thủ khoa về kiến trúc Đại Học California Polytechnics Pomona ở Mỹ, được thầy cô bầu chọn dựa trên kết quả trong suốt quá trình học. Sau khi ra trường, Hưng đầu quân cho một công ty ở Los Angeles. Thời điểm tháng 5/2020, lúc nước Mỹ đang cực kì khốn đốn vì Covid, việc họ tuyển dụng một nhân sự từng là du học sinh châu Á rất hiếm. Sau khi làm việc tại đây một năm, Hưng về làm cho BCHO & Partners, là 1 công ty rất nổi tiếng ở Hàn Quốc. Hiện tại, cậu đang tích lũy kinh nghiệm để năm sau quay lại học cao học.
Hưng thổ lộ mình mong muốn mở 1 chương trình Đại Học Kiến Trúc dạy bằng tiếng Anh, mời bạn bè anh gặp khắp thế giới tới Việt Nam làm giảng viên. Ngoài ra, cậu cũng muốn xây thật nhiều công trình tình nghĩa tình thương cho những người có hoàn cảnh khó khăn trên khắp đất nước. Đó là 1 ước mơ lớn của mẹ cậu.
Vĩnh Hưng tốt nghiệp thủ khoa về kiến trúc Đại Học California Polytechnics Pomona ở Mỹ
Sống bằng nghề sửa xe, đi đâu cũng tự hào
Tiệm sửa xe hoạt động 35 năm của gia đình Hưng nằm trong một con hẻm cụt đường Lý Thái Tổ, quận 10. Trong xóm, nhà cậu làm phuộc trước xe, hàng xóm có người làm phuộc sau, người bán phụ tùng, trước hẻm có bán phở và cafe phục vụ khách. Nói chung là cả cái hẻm sống dựa vào khách đến sửa xe.
“Mỗi tiệm sửa xe trên khắp thành phố này đều có thể khác nhau, tôi không biết đủ để so sánh. Nhưng điều khác biệt nhất có lẽ là ba và mẹ tôi. Ba là kỹ sư cơ khí, rất thích mày mò sửa chữa những chiếc xe máy sao cho chạy tốt hơn và êm hơn cho khách hàng, vì vậy ba anh mới có những sáng chế để phát triển xe. Mẹ tôi thì quán xuyến kinh doanh. Cả 2 lấy chữ tín làm đầu nên không bao giờ nói thêm hay nói quá về những ‘bệnh' của xe, nhận xe mà không làm hay không bảo hành cho xe cả”, Hưng nói.
Tiệm sửa xe của gia đình Hưng
Xưa giờ đi đâu, Hưng cũng giới thiệu ba là chủ tiệm sửa xe. Chỉ có dạo gần đây khi ba cậu có những sáng chế được cấp bằng thì ông Sơn mới bắt đầu giới thiệu mình là người sáng chế.
“Tôi thì vẫn cứ xem ba là chủ tiệm xe thôi. Bởi vì gia đình tôi có ngày hôm nay thật ra là nhờ tiệm xe này, có ba tôi ngồi làm và mẹ quán xuyến", cậu nói.
Hưng hiểu khi mình có một khát khao lớn, cần nhiều người đi chung. Đó là lý do hai cha con cậu lên Shark Tank. Nghĩ về chặng đường mấy chục năm qua của ba, cậu có chút tiếc. Tiếc vì mãi gần đây ba cậu mới gặp được những người cùng chí hướng ở Hội Sáng Chế Việt Nam để thỏa sức bàn luận về đam mê.
Một góc làm việc của ông Sơn
“Tôi thấy mình giống ba ở những đam mê nhưng khác ba ở chỗ tôi được đi nhiều nơi, ngoài mong muốn phát triển nghề nghiệp, tôi còn muốn giúp đỡ cho nhiều người khác. Tấm lòng này chắc tôi thừa hưởng từ mẹ (cười).
Ngành nghề mà tôi theo đuổi nghe qua thì có vẻ khác ba, nhưng thật ra cũng có nhiều nét tương đồng. Kiến trúc cũng là một ngành cần ‘sáng chế’ mỗi ngày. Tôi luôn phải suy nghĩ làm cách nào để vận dụng những nét đẹp trong lịch sử, văn hóa, xã hội Việt vào kiến trúc để song hành với quá trình phát triển, hòa nhập là hành trình gìn giữ, phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc.
Tôi và ba tạo ra những thành phẩm khác nhau nhưng bắt đầu và kết thúc giống nhau: do và để phục vụ cho con người, đặc biệt là người Việt mình”.