Trần Trinh Huy (1900-1974) ngoài tên Công tử Bạc Liêu còn được gọi bằng nhiều tên khác như Ba Huy, Hắc công tử (do nước da ngăm đen và cũng để phân biệt với Bạch công tử).
Ba Huy vốn là công tử ăn chơi nức tiếng ở Sài Gòn và Nam Kỳ những năm 1930, 1940. Mức độ “đốt tiền” của ông nổi tiếng đến mức xếp hạng đầu bảng trong số các Công tử Bạc Liêu lúc bấy giờ. Thời đó, công tử ăn chơi không ít, nhưng khi nhắc đến Công tử Bạc Liêu, người ta sẽ nghĩ ngay đến Trần Trinh Huy, tức cậu Ba Huy. Điều này cũng đều có lý do cả.
Gia cảnh chẳng có gì ngoài… tiền
Trần Trinh Huy là con trai ông Trần Trinh Trạch và bà Phan Thị Muồi, con gái bá hộ Phan Văn Bì - người có ruộng đất nhiều nhất tỉnh Bạc Liêu lúc bấy giờ. Ông bá hộ Phan Văn Bì khi ấy còn được người ta gọi là “Vua lúa gạo Nam Kỳ”.
Ông Trần Trinh Trạch (cha của Công tử Bạc Liêu) sau khi được nhà vợ chia ruộng đất, ông lấy làm vốn cho vay nặng lãi, chuyên cầm cố đất của những công tử nhà giàu ăn chơi ham mê cờ bạc. Bên cạnh đó, ông còn quan hệ tốt với người Pháp nên được ưu tiên mua nhiều ruộng đất tốt, gia sản chẳng mấy chốc mà tăng vù vù. Vậy nên ông nhanh chóng lọt vào danh sách tứ đại điền chủ giàu có nhất vùng Nam Kỳ lúc bấy giờ. Dân gian thường gọi là “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Trạch”.
Con cái của các vị địa chủ, hào phú khi ấy rộn ràng lên Sài Gòn học ở trường Pháp hoặc du học bên Pháp. Đối với các công tử nhà giàu, giữa phồn hoa đô hội mà muốn thể hiện mình, cách nhanh nhất chính là con đường "ăn chơi lấy số". Nhưng xét về độ vung tiền, các công tử lúc bấy giờ cũng phải nghiêng mình nhường Ba Huy vài phần.
Người Việt đầu tiên sở hữu máy bay riêng
Lúc ấy, Việt Nam cả thảy chỉ có hai chiếc máy bay, một cái thuộc sở hữu của cậu Ba Huy, cái còn lại của vua Bảo Đại. Tuy nhiên, tiền sắm máy bay của vua Bảo Đại lấy từ tiền ngân khố, nên tính ra người Việt đầu tiên sở hữu máy bay riêng đúng nghĩa, chính là Công tử Bạc Liêu Ba Huy.
Tiếp quản gia sản khổng lồ thẳng cánh cò bay ấy, cậu Ba Huy nhanh chóng thuyết phục được cha đồng ý mua báy bay riêng cho mình. Khi máy bay còn chưa chuyển về nước, vào ngày 24/6/1932, trên tờ báo La Courrier Saigonnais đã giật tít trang đầu: "M.Tran Trinh Huy propriétaire à Baclieu possède un avion et il aménager une piste d atterrissage sur sa propriété à Camau" (Tạm dịch: Ông điền chủ Trần Trinh Huy sắm một chiếc máy bay và xây đường băng trên đất của mình ở Cà Mau).
Sự kiện sở hữu máy bay riêng ấy chấn động cả nước. "Chảnh" hơn nữa là ông chủ dùng máy bay đó đi thăm ruộng và phục vụ các cuộc phiêu lưu của mình. Thỉnh thoảng, ông cũng đưa cha đi thăm ruộng ở Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng trên chiếc máy bay này, cha ông cũng tỏ ra thích thú. Với điền sản gần 150.000 hecta ruộng lúa, hơn 10.000 hecta ruộng muối, phỏng chừng việc mua máy bay đi thăm ruộng cũng là... cần kíp.
Có lần bay thăm ruộng ở Rạch Giá, Công tử Bạc Liêu tranh lái với phi công người Pháp, bay ra biển Hà Tiên chơi. Mải miết chơi mà không để ý kim báo nhiên liệu không còn, buộc phải đáp đất khẩn cấp. Chuyện nào đã xong, lúc phát hiện ra nơi đáp máy bay xuống đã sang tận đất Xiêm (Thái Lan ngày nay). Ba Huy bị bắt giữ và phạt 200 ngàn giạ lúa. Ông Trạch phải dẫn một đoàn ghe chở lúa siêu dài qua Xiêm để chuộc con trai về. Ước tính lúc ấy, số lúa quy ra chừng 10kg vàng.
Những giai thoại làm nên tên tuổi Ba Huy nức tiếng một thời
Đốt tiền nấu cháo đọ độ giàu
Trong những giai thoại kể về cuộc đời cậu Ba Huy, vị Công tử Bạc Liêu này còn khiến người ta sửng sốt và có phần xót xa khi phung phí tiền trong cuộc đua tranh với Bạch công tử, cũng là một cậu ấm giàu có ăn chơi khác.
Chuyện kể rằng cậu Ba Huy (Hắc công tử) và Bạch công tử thi nhau cùng đốt tiền nấu chín 1 kg đậu xanh, bên nào nấu chín trước bên ấy thắng. Chẳng rõ hai cậu ấm đốt hết bao nhiêu tiền nhưng kết quả Bạch công tử toàn thắng.
Tuy nhiên giai thoại này cũng bị nhiều quan điểm phủ nhận, trong đó có con trai của cậu Ba Huy là Trần Trinh Đức. Ông Đức cho rằng dù ba mình chơi ngông nhưng cũng không "bị khùng" đem tiền ra để đốt. Câu chuyện đốt tiền nấu đậu xanh này, dù thật hay giả nhưng cũng đã khắc vào lòng công chúng về mức độ ăn chơi khủng khiếp của Công tử Bạc Liêu.
Tiêu xài hết cỡ... 5 tấn vàng của cha mẹ
Tài liệu nói về Công tử Bạc Liêu Ba Huy không có nhiều, nhưng trong những tài liệu nghiên cứu được, như trong cuốn Công tử Bạc Liêu: Sự thật và giai thoại của Phan Trung Nghĩa có nhắc đến việc lúc sinh thời, ông đã "tiêu giúp" cha mẹ đến 5 tấn vàng. Số tiền ấy được ném vào các cuộc ăn chơi trác táng, phung phí.
Mặc dù được cha mẹ cho đi du học bên Pháp từ sớm nhằm lấy được tấm bằng kỹ sư, bác sĩ nhưng đáp lại kỳ vọng của bậc sinh thành, cậu Ba Huy ham mê học võ Xiêm, nhảy đầm, lái xe, lái máy bay. Cậu Ba Huy thường mặc những bộ suit đắt tiền đi chơi. Mỗi lần lên Sài Gòn, cậu Ba Huy ngồi chiếc xe hơi mới cứng, có tài xế riêng. Thay vì ở biệt thự của gia đình, cậu Ba Huy thường chọn ở những khách sạn nổi tiếng bậc nhất ở Sài Gòn lúc bấy giờ làm nơi qua đêm.
Những cuộc ham vui dường như chưa dừng lại khi ông Trần Trinh Trạch mất vào năm 1942, tài sản được chia đều cho các con. Tuy vậy, cậu Ba Huy chỉ có tài ăn chơi phung phí chứ không có tài làm ăn như cha mình. Đến những năm của thập niên 1960, cải cách điền địa diễn ra khiến ruộng đất của gia đình mất đi không ít. Hoa lợi nghèo nàn, không thức thời chuyển hướng làm ăn, lại quen tiêu xài hoang phí nên chẳng mấy chốc cậu Ba Huy rơi vào cảnh khánh kiệt. Đời con ông bỗng chốc phải sống nghèo khó, thậm chí phải trôi dạt tứ phương, làm đủ thứ nghề để mưu sinh.
Từ người giàu có bậc nhất Nam Kỳ lục tỉnh khi ấy, số mệnh công tử giàu sang của cậu Ba Huy và dòng tộc Trần Trinh Trạch khiến người ta liên tưởng đến triết lý của Luật Nhân Quả rằng cuộc đời có vay có trả và "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời". Ông Trinh Trạch đi lên từ gia sản của nhà vợ và việc cho dân ham mê cờ bạc vay nặng lãi. Và rồi đến đời con cháu ông cũng lụn bại đi vì hoang phí vô độ và ham mê cờ bạc.